Văn phòng Chính phủ ngày 2/8 thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang sau chuyến kiểm tra khắc phục sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Ông Quang lưu ý địa phương khi hoàn thiện hồ sơ và triển khai dự án cao tốc phải tính toán yêu cầu tiêu thoát nước, phòng chống sạt lở, thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Tỉnh Lâm Đồng đánh giá mức độ an toàn, nguy cơ ở khu vực sạt lở để lên phương án khắc phục. Những vị trí có nguy cơ sạt phải cảnh báo, hạn chế người và phương tiện qua lại. Người dân sống ở khu vực này được hướng dẫn kỹ năng ứng phó hoặc di dời đến nơi ở mới.
"Nguyên tắc là không để xảy ra thêm sự cố nào", thông báo nêu.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới và gió mùa Tây Nam, khu vực Nam Tây Nguyên mưa lớn. Chiều 30/7, một mảng đồi trên đèo Bảo Lộc sạt xuống trụ sở cảnh sát giao thông khiến ba chiến sĩ hy sinh và một người dân tử vong. Đoạn đèo thuộc quốc lộ 20 - tuyến đường huyết mạch từ Đông Nam Bộ đến Đà Lạt.
Hai đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương dài 140 km, dự kiến khởi công quý IV năm nay. Hai đoạn thuộc dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài hơn 200 km.
Chính phủ đã giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện đoạn từ huyện Tân Phú (Đồng Nai) đến TP Bảo Lộc và TP Bảo Lộc đến Liên Khương (huyện Đức Trọng). Đoạn từ Dầu Giây đến Tân Phú do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách.
Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương khi hoàn thành sẽ giảm tình trạng kẹt xe, tai nạn giao thông qua đèo Bảo Lộc, giảm tải cho quốc lộ 20.