Yêu cầu này được Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu tại buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ngày 11/3.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành có biện pháp tháo gỡ vướng mắc về tình trạng phải nhập khẩu dầu thô để lọc hóa trong khi lại xuất khẩu dầu thô.
"Dứt khoát phải đổi mới, nếu vướng ở cơ chế, chính sách thì sửa ngay. Không thể để trong cùng tập đoàn PVN mà đơn vị này khai thác, xuất khẩu dầu thô, đơn vị khác lại đi nhập khẩu dầu thô để chế biến", Phó thủ tướng nói.
Ông Thành cũng yêu cầu PVN khẩn trương đầu tư xây dựng dự án tại Khu công nghiệp Long Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có hạng mục đầu tư nhà máy lọc hoá dầu thứ 3 tại Việt Nam), để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu trong nước.
Giá dầu thô trên thị trường thế giới ở mức cao, trên 100 USD một thùng. Việt Nam đang xuất khẩu phần lớn dầu thô, nhưng lại phải nhập khẩu chủng loại khác để chế biến. Hiện tổng công suất của cả hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất mới đáp ứng 70% nhu cầu thị trường trong nước.
Theo Phó thủ tướng, trữ lượng dầu khí của Việt Nam khoảng 1,5 tỷ m3, đứng thứ 26 thế giới, nhưng sản lượng khai thác hiện chỉ đứng thứ 34. Tức là tốc độ hiện thực hoá tiềm năng dầu khí chưa cao. "Cần đưa được nguồn tài nguyên này vào phục vụ nền kinh tế, phải chế biến sản phẩm hiệu quả nhất", ông nói.
Liên quan việc vừa xuất dầu thô, vừa nhập dầu thô, thực tế thời gian qua cũng đem lại hiệu quả kinh tế. Phần lớn dầu thô khai thác của PVN từ mỏ Bạch Hổ - đây là mỏ có hàm lượng lưu huỳnh thấp - nên có thể xuất bán với giá cao.
Bối cảnh giá dầu thế giới tăng vọt, việc xuất khẩu dầu thô đem lại hiệu quả kinh tế, nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Chẳng hạn, hai tháng đầu năm nay, khoản thu từ dầu thô tăng hơn 57%, đóng góp gần 29% vào dự toán thu ngân sách.
Còn với lọc dầu trong nước, hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất ngoài mua từ nguồn dầu thô trong nước, họ cũng nhập khẩu mặt hàng này về để lọc. Các phương án thí nghiệm trước đây cho thấy, có thể pha dầu thô nhập từ nước ngoài với giá thấp (tỷ lệ pha 20%), nhà máy lọc dầu trong nước vẫn cho ra sản phẩm tốt.
Chưa kể, theo thiết kế của từng nhà máy lọc dầu thì cho phép sử dụng các loại dầu khác nhau. Chẳng hạn, nhà máy Nghi Sơn thường lọc dầu vùng vịnh, chủ yếu khai thác từ sa mạc và đá phiến. Nhà máy Dung Quất lại dùng loại dầu khác có giá rẻ hơn loại từ mỏ Bạch Hổ để có hiệu quả hơn về kinh tế.
Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cũng thông tin, tháng 2, tập đoàn này khai thác 0,84 triệu tấn dầu, vượt 24% kế hoạch. Lũy kế 2 tháng đầu năm, PVN khai thác 1,78 triệu tấn. Nhờ đó, tập đoàn ghi nhận doanh thu 118.730 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ 2021. Mức nộp ngân sách của PVN tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái, hơn 18.000 tỷ đồng.
Trước diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị PVN rà soát kế hoạch sản xuất kinh doanh, tài chính, lợi nhuận của năm 2022, phấn đấu tăng trưởng 10% so với năm 2021.
PVN cũng cần xây dựng đề án phát triển điện gió ngoài khơi để phát huy trang thiết bị và công nghệ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng phương án khai thác hiệu quả nguồn khí khai thác được để đảm bảo hiệu quả cao nhất.