Chính phủ vừa cho biết sẽ trình Quốc hội xem xét cho phát hành thêm 58.000 tỷ đồng trái phiếu để thực hiện các dự án trên Quốc lộ 1A và tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua Tây Nguyên). Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh đang có nhiều tranh cãi quanh việc quản lý nợ, sau khi báo cáo được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố cho rằng, nếu tính cả số tiền do khối doanh nghiệp Nhà nước vay (không được bảo lãnh), con số nợ công của Việt Nam sẽ tương đương khoảng 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn. Tại phiên thảo luận tại Hội trường chiều 30/5, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã thay mặt Chính phủ có ý kiến về vấn đề này.

Lý giải về cánh tính nợ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định không có chuyện đưa nợ do doanh nghiệp tự đi vay, không có bảo lãnh vào nợ công của nền kinh tế. "Việc các doanh nghiệp Nhà nước đi vay của Tổ chức tín dụng, ngân hàng thì sẽ phải tuân theo Luật, ngân hàng sẽ phải thẩm định các dự án đó và doanh nghiệp sẽ phải tự vay, tự trả", ông khẳng định.
Clip: Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu về nợ công tại Quốc hội |
Trước đó, trao đổi trong các phiên thảo luận của kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách - Phùng Quốc Hiển cũng không đồng tình với việc tính nợ công của Việt Nam ra con số 95% GDP. "Cách tính nợ công của Việt Nam phải luật Việt Nam. Hiện nợ công chỉ bao gồm 3 yếu tố, chính phủ bảo lãnh, nợ của Chính phủ vay và nợ của chính quyền địa phương. Không phải 3 cái đó thì không phải là nợ công", ông khẳng định.
Chia sẻ quan điểm này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Nguyễn Đức Kiên cho rằng "Nói con số 95% sai cũng không phải nhưng đúng cũng không hẳn". Theo đó, cách tính nợ công như trong báo cáo chỉ là một trong số những cách tính mà thế giới đang dùng. Và hiện không ít quốc gia cũng dùng cách tính nợ công như Việt Nam. Do vậy, vị này cho rằng khi nói về nợ công của Việt Nam thì phải "kèm" chú thích là theo cách tính nào và ai là người tính.
Riêng với kế hoạch phát hành thêm 58.000 tỷ đồng trái phiếu để thực hiện các dự án quốc lộ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ đã "tính toán kỹ" những ảnh hưởng của việc phát hành trái phiếu lên nợ công. Theo ông, giả sử phát hành 60.000 tỷ đồng trái phiếu thì nợ công sẽ tăng thêm 2%. Đến cuối năm 2012, nợ công của Việt Nam ở mức 55,5% GDP, trong khi giới hạn an toàn được các tổ chức quốc tế khuyến cáo là 60% GDP. Do đó, ông nhận định "Nợ công Việt Nam vẫn an toàn".
Ủng hộ việc phát hành trái phiếu, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) nhận định việc nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 qua Tây Nguyên là hết sức "cần thiết và cấp bách". Do đó, ông đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục phát hành trái phiếu để dự án hoàn thành vào cuối 2016.
Liên quan tới cân đối ngân sách 2013, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh báo cáo, 5 tháng thu ngân sách mới chỉ đạt 36,6% dự toán, thấp hơn cùng kỳ 3 năm gần đây. Tính bình quân mỗi tháng, ngân sách Nhà nước bị hụt thu gần 16.000 tỷ đồng. "Điều này thể hiện thu ngân sách năm nay khó khăn và dự báo cả năm khó đạt kế hoạch", vị này phát biểu.
Huyền Thư - Thanh Bình