Đây là một trong bốn yêu cầu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra với tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh tại cuộc họp trực tuyến ngày 26/5.
"Khoanh rộng đến đâu phải rất cụ thể, không ỷ lại ở nguyên tắc. Trường hợp Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh, Bắc Giang yêu cầu khoanh rộng hơn, có giải pháp mạnh hơn mà tỉnh không nghe thì báo cáo tôi để chỉ đạo tỉnh thực hiện", Phó thủ tướng nói.
Thứ hai, Bộ Y tế thống nhất chỉ huy công tác xét nghiệm; phối hợp giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng hỗ trợ; giữa các công nghệ xét nghiệm. Bắc Giang triển khai ngay việc công nhân tự lấy mẫu, xét nghiệm nhanh để giải quyết khâu thiếu người lấy mẫu và không để thiếu sinh phẩm xét nghiệm. "Chúng ta tiết kiệm nhưng khi dịch đã vào khu công nghiệp rồi, không nên và không thể quá chi li. Bộ Y tế chi viện tối đa cho tỉnh. Nếu chưa đủ chủng loại sinh phẩm, tỉnh tổ chức mua ngay theo cơ chế chống dịch như chống giặc", ông Đam chỉ đạo.
Thứ ba, Phó thủ tướng cho rằng các khu nhà ở công nhân tại Bắc Giang quá "đậm đặc", dễ lây nhiễm chéo và sinh hoạt cũng rất "bí bách" trong điều kiện nắng nóng. Vì vậy, tỉnh tổ chức xét nghiệm, sàng lọc nhằm sớm chuyển bớt những người có nguy cơ nhiễm bệnh thấp về các điểm cách ly ở thôn, xã khác.
Thứ tư, dự kiến các ca bệnh sẽ tăng khi xét nghiệm nhiều lần F1 trong các khu cách ly, phong tỏa và cộng đồng. Vì vậy, Bộ Y tế khẩn trương tổ chức các tuyến điều trị. Cơ sở y tế tuyến Trung ương và các bệnh viện có năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng trên địa bàn hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cần giải phóng bớt bệnh nhân không có triệu chứng, đã xét nghiệm âm tính từ hai lần, để sẵn sàng đón bệnh nhân nặng.
Bốn yêu cầu trên được ông Đam đưa ra bởi nhận định "chưa ai có kinh nghiệm chống dịch ở các khu công nghiệp với hàng trăm nghìn công nhân làm việc trong môi trường điều hòa kín". Từ tuyến đầu chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang, các cơ quan sẽ rút ra bài học cho cả nước.
Trả lời báo chí chiều 26/5, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn phân tích số ca nhiễm ghi nhận tại Bắc Giang hôm qua tăng đột biến là kết quả của số lượng mẫu xét nghiệm thu thập trong ba ngày. "Nếu chia đều, chúng tôi nhận thấy với tốc độ xét nghiệm hằng ngày, số ca nhiễm mới ghi nhận ở Bắc Giang xung quanh mức 100 ca mỗi ngày", ông Sơn nói.
Ông nhận định tình hình ở Bắc Giang "chắc chắn sẽ diễn biến phức tạp do mật độ công nhân tại các khu nhà trọ rất đông, có thể xảy ra tình trạng lây lan trong khu vực này và dân cư xung quanh". Vì vậy, ông cho rằng Bắc Giang cần duy trì nguyên tắc "người nào ở nguyên phòng người đó" trong các khu nhà trọ công nhân, để kiềm chế lây nhiễm chéo.
Những ngày tới, Bộ Y tế và địa phương sẽ lấy mẫu xét nghiệm khoảng 40.000 công nhân, người dân ở xã Quang Châu (nơi có khu công nghiệp Quang Châu là một trong ba ổ dịch chính tại Bắc Giang); việc lấy mẫu được tiến hành thường xuyên ba ngày một lần.
Về chủ trương để công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại nhà, Thứ trưởng Sơn nói đã xây dựng video hướng dẫn và tập huấn, trước mắt sẽ thí điểm trong một khu cách ly tập trung ở Bắc Giang.
"Xét nghiệm nhanh không phải là tiêu chuẩn vàng nhưng cũng là sàng lọc rất giá trị với độ nhạy khoảng 70% đến 80%, đã được chứng minh bằng nghiên cứu khoa học. Chúng tôi hy vọng thời gian thực hiện và đọc kết quả của xét nghiệm nhanh chỉ sau 15 phút có thể giúp phân loại, sàng lọc những nhóm nguy cơ, sau đó khẳng định bằng xét nghiệm PCR", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Bắc Giang là địa phương ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước với 1.520 tính đến hết ngày 26/5. Bắc Ninh cao thứ hai cả nước với 624 ca.