Chia sẻ tại hội nghị Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Mỹ 2018 sáng 10/9, ông Gelbert Kaplan - Thứ trưởng đặc trách Thương mại Quốc tế, Bộ Thương mại Mỹ cho biết "thực sự ấn tượng với sự phát triển và năng động của Việt Nam" khi Việt Nam đã cử những đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ Đông Nam Á đến Washington.
Ông cũng thông tin, năm 2017, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 54 tỷ USD. 5 năm qua, hàng hoá Mỹ tới Việt Nam tăng 61% và trong thập kỷ qua tăng 200% - khoảng 5,3 tỷ USD. Mặc dù vậy, theo ông, Việt Nam vẫn đứng năm trong số các nước thâm hụt thương mại với Mỹ và đây là mức thâm hụt lớn nhất mà Mỹ có với các nước tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên, chia sẻ tại Hội nghị, Phó thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng cho biết, năm 2005, kim ngạch thương mại Việt Nam - Mỹ mới chỉ đạt 7,8 tỷ USD. Đến năm 2017, kim ngạch hai chiều đạt 54 tỷ USD và trong 6 tháng đầu năm 2018 là khoảng 27,4 tỷ USD, trong đó, nhập khẩu từ Mỹ đã tăng hơn 20%.
"Do đó, Mỹ không phải lo ngại về vấn đề Việt Nam đang xuất siêu sang quốc gia này. Cán cân thương mại ngày càng cân bằng hơn", Phó thủ tướng khẳng định.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi cuối năm ngoái của Tổng thống Mỹ - Donald Trump, lãnh đạo hai nước đã cam kết làm sâu sắc hơn, mở rộng hơn quan hệ thương mại, đầu tư song phương thông qua cơ chế chính thức về Hiệp định khung về Thương mại đầu tư (TIFA). Theo ông Dũng, nền kinh tế Việt Nam và Mỹ ngày càng hỗ trợ cho nhau.
"Trong khi Việt Nam có những mặt hàng thế mạnh xuất khẩu sang như nông sản, dệt may, da giầy... thì Mỹ cung cấp cho Việt Nam những sản phẩm công nghệ cao, trong đó phải kể đến những hợp đồng mua máy bay với giá trị lên đến hàng tỷ USD", Phó thủ tướng nói.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - Daniel Kritenbrink cho biết, sẵn sàng mở rộng và đẩy mạnh quan hệ thương mại Mỹ - Việt Nam hơn nữa. "Khi trở về Mỹ, tôi đã gặp Thứ trưởng Thương mại, khuyến khích ông đến Việt Nam để hiểu hơn về mối quan hệ thương mại giữa hai nước", ông Kritenbrink nói. Bên cạnh sự lạc quan về thương mại giữa hai nước trong tương lai, Đại sứ này cũng cho rằng, hai bên còn rất nhiều công việc phải thực hiện.
Trong khi đó, ông Michael Kelly - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội cho hay, các doanh Mỹ có lợi ích ở Việt Nam mong muốn tiếp tục được thành công. Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm nhiều đến các chính sách, quy định mới... ở Việt Nam. "Do đó, thông điệp của Hiệp hội là làm sao xây dựng được môi trường kinh doanh tốt cho tất cả, khu vực kinh doanh vững mạnh", ông nói.
Theo ông Trịnh Đình Dũng, đến tháng 6/2018, Mỹ có 877 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn 9,37 tỷ USD - đứng thứ 10 trong số 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Đây là những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam, cũng như Mỹ. Tuy nhiên, những kết quả, hợp tác trong thời gian qua còn chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai bên và chưa đáp ứng được mong muốn, đặc biệt từ phía Việt Nam.
Ông Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn luôn coi trọng các nhà đầu tư nước ngoài và mong muốn có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực như năng lượng, dầu khí, phát triển đô thị thông minh, đào tạo nguồn nhân lực, nông nghiệp công nghệ cao, tài chính ngân hàng...
Đồng thời, ông cũng đề nghị Hội nghị Thượng đỉnh ngày 10/9 đưa ra những đánh giá, đề xuất, giải pháp mới nhằm duy trì đà tăng trưởng tích cực trong quan hệ hợp tác kinh tế song phương. Bên cạnh đó, các bên cũng phải đề xuất cơ hội, hướng đi mới để phát huy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong kinh doanh, quan hệ đầu tư, hợp tác song phương.
Anh Tú