Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhiều lần khẳng định xu hướng thanh toán đi động là "tất yếu" và "không ai có thể cưỡng lại được" tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2017 do báo VnExpress tổ chức sáng 6/11. Theo đại diện Chính phủ, xu hướng này chắc chắn sẽ bùng nổ sắp tới bởi nó mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể, từ người dân, doanh nghiệp đến Nhà nước. Việc phổ cập xu hướng này, theo ông là "để đi nhanh, để Việt Nam không tụt lại phía sau".
Tuy nhiên, lợi ích của ngân hàng trong xu thế này chưa được đề cập nhiều. Hiện tại ngân hàng Việt chủ yếu dựa vào dịch vụ tín dụng, rất ít phi tín dụng. "Mỗi khi một chủ thể tham gia quá trình hệ sinh thái này còn nghĩ tới cái tôi của mình thì không thể phát triển được. Chính phủ và cá nhân tôi rất ủng hộ và cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển thanh toán di động và để xu thế này bùng nổ tại Việt Nam", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phân tích.
Theo ông, một hệ sinh thái cho Mobile Payment được xem là tối ưu khi đảm bảo cho nó phát triển nhanh, bùng nổ. "Chúng ta sẽ làm hệ sinh thái thanh toán di động bùng nổ như cách đây 10 năm điện thoại di động", ông Vương Đình Huệ nói.
"Chính phủ cam kết sẽ xem xét các đề xuất hoàn thiện hệ sinh thái cho mobile payment. Việc phát triển thì cũng cần có thời gian. Những vấn đề gì cần thử nghiệm trước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin & Truyền thông đề xuất và Chính phủ sẽ xem xét trên cơ sở tạo bước đi vững chắc cho phát triển hệ sinh thái này", Phó thủ tướng cam kết.
Đại diện Chính phủ cũng cam kết sớm thực thi, hoàn thiện tài chính toàn diện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử để "Việt Nam mạnh lên bằng công nghệ thông tin".
Ngoài ra, Chính phủ cũng hoàn thiện khung khổ pháp lý, đẩy mạnh phát triển đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, cũng như đẩy mạnh quảng bá, truyền thông để giúp cho mọi chủ thể, người dân hiểu được tiện ích mang lại cho hệ sinh thái thanh toán di động.
Dù hội kiến trước đó với Jack Ma - Chủ tịch Tập đoàn Alibaba chỉ trong một thời gian ngắn nhưng khi phát biểu tại VEPF 2017, Phó thủ tướng cũng đồng tình và nhắc lại quan điểm cho rằng, thanh toán di động còn mang lại sự minh bạch cho nền kinh tế.
Ông đề nghị các bộ ngành nghiên cứu thêm phát triển thanh toán điện tử trong quản lý nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam. Hiện tỷ trọng này chiếm phần lớn tại các vùng đô thị, nông thôn. Quản lý được khu vực này sẽ giúp nền kinh tế phát triển bình đẳng hơn, chống xói mòn trong thu thuế.
"Hệ sinh thái này chỉ bùng nổ nếu đem lại lợi ích cho người dân; khắc phục rủi ro, an toàn thông tin, bảo mật cho người sử dụng; kiểm soát giao dịch xuyên quốc gia và đối phó với tội phạm công nghệ cao, chống xói mòn cơ sở thuế... Nó không chỉ mang lại lợi ích cho từng cá thể trong hệ sinh thái, mà còn là lợi ích của mọi chủ thể, lợi ích quốc gia", ông nói.
Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) diễn ra ngày 6/11 là sự kiện thường niên, quy mô lớn đầu tiên về thanh toán điện tử được tổ chức tại Việt Nam. Sau hai năm tổ chức, VEPF 2017 tiếp tục là cơ hội để các bên liên quan nói lên tiếng nói nhằm tác động tới sự thay đổi chính sách về thanh toán điện tử.
VEPF 2016 đã thu hút 700 khách tham dự sự kiện, trong đó có sự hiện diện của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp thương mại điện tử, công nghệ, giao thông, trung gian thanh toán... cùng các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. Chương trình năm nay có sự tài trợ của Samsung Pay - ứng dụng kết nối với hệ thống các ngân hàng để cung cấp dịch vụ thanh toán di động. Thông tin chi tiết về VEPF 2017 được cập nhật tại website chính thức của chương trình: https://vepf.vnexpress.net/ |