"Dù thích hay không thì Việt Nam vẫn phải phát triển thương mại điện tử, thanh toán trên di động. Xã hội không dùng tiền mặt đã tới rất gần", Jack Ma nhấn mạnh.
Không dưới 3 lần bài phát biểu của Chủ tịch Alibaba nhận được sự tán dương bằng những tràng vỗ tay không ngớt từ dưới khán phòng.
"Các bạn mất tiền, tôi sẽ đền"
Sau tiếng của MC giới thiệu tên Jack Ma lên sân khấu để bắt đầu cuộc đối thoại với Chủ tịch Tập đoàn FPT - Trương Gia Bình, cả hội trường đồng loạt đứng lên vỗ tay chào mừng. Một khán giả cầm trong tay cuốn sách về ông chủ Alibaba giơ cao gọi lớn tên Jack Ma thể hiện sự ngưỡng mộ. Cùng lên sân khấu còn có ông Eric Jing - CEO Công ty Tài chính Ant (Công ty mẹ của Alipay).
Lần thứ 2 trở lại Việt Nam, ông chủ Alibaba ấn tượng khi thấy rất nhiều bạn trẻ có tiền, nhưng thay vì cho tiền vào thẻ, họ lại đang đựng rất nhiều tiền trong ví. "Điều này sẽ rất rủi ro, bởi giữ tiền trong ví sẽ là cơ hội của lừa đảo, các vụ móc tiền, thậm chí tham nhũng", ông nói.
Phiên đối thoại của tỷ phú Jack Ma, ông Eric Jing và ông Trương Gia Bình
Hiện hơn 50% dân số Việt Nam sử dụng Internet và khoảng 54% dùng điện thoại di động. Đây là cơ hội rất lớn để phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt.
"Tôi hoàn toàn đồng ý, tâm đắc với ngài Thủ tướng, muốn giải quyết vấn đề này thì phải bao trùm về tài chính, không có lựa chọn nào khác là đưa xã hội phi tiền mặt đang tới gần rồi. Có phải tối nào họ cũng xuống phố được không? Họ phải lên mạng, phải làm ăn kinh doanh, một quốc gia có dân số trẻ như thế này, phải tạo cơ hội cho họ kinh doanh đơn giản, dễ dàng, để cạnh tranh trong tương lai", tỷ phú Jack Ma tiếp lời.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển thanh toán di động, nhưng hiện ở Việt Nam dịch vụ này vẫn đang gặp trở ngại với tâm lý e ngại từ chính phía người dùng. Triết lý tăng niềm tin với người dùng được CEO Alibaba chia sẻ, "các bạn mất tiền là tôi sẽ đền lại". Đây cũng là triết lý, cam kết mà ông chủ Alibaba đưa ra cho khách hàng của mình từ những ngày đầu khởi nghiệp.
"Nếu quý vị mất một USD thì tôi sẽ đền một USD, mất một triệu USD sẽ đền một triệu USD. Ở Việt Nam, chúng tôi nghĩ mọi việc đều đang rất khả quan, hứa hẹn, nên cần động viên để các doanh nghiệp làm được", ông nói.
Trong sự phát triển đó, Jack Ma nhấn mạnh tới tính bảo mật của hệ thống thông tin, dịch vụ. "Chúng tôi quan tâm tới bảo mật còn hơn Chính phủ. Vì khi có trục trặc người 'chết' đầu tiên, ảnh hưởng đầu tiên chính là doanh nghiệp chúng tôi", ông nói.
Bổ sung thêm, ông Eric Jing – CEO Ant Financial Services (Công ty mẹ của AliPay) cho hay, bảo mật là yếu tố quan trong nhất trong những ngày đầu AliPay xây dựng, phát triển hệ thống dịch vụ.
"Kể cả khi dịch vụ đã phát triển ở mức cao hơn thì bảo mật, an toàn vẫn là nhân tố hàng đầu chúng tôi hướng tới", ông Eric nói, đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh mới với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo thì "cần ứng dụng ngay vào nền tảng phát triển dịch vụ để người tiêu dùng được hưởng lợi".
Khởi nghiệp ở Việt Nam "ý tưởng chứ không phải tiền"
Kể lại câu chuyện phát triển AliPay (một trong số ứng dụng thanh toán của Alibaba) cách đây 10 năm, Jack Ma cho biết, khi phát triển AliPay nhiều người đã rất nghi ngờ về sự phát triển của nó. "Nhưng tôi nói với các cộng sự: Hãy cứ làm tới đi (Let’s go)", ông nói.
Lần trở lại Việt Nam thứ 2, ông chủ Alibaba cho hay, Alibaba tới Việt Nam không phải để cạnh tranh mà "giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ phát triển thanh toán điện tử".
Theo Jack Ma, vấn đề quan trọng hàng đầu trong kinh doanh không phải tiền mà là ý tưởng. "Doanh nhân phải nghĩ xem mình sẽ làm gì, chứ đừng nghĩ ngay tới sẽ kiếm được bao nhiêu tiền. Khi có ý tưởng tốt, tuyệt vời thì tiền mới phát huy tác dụng. Khi có đồng đội tốt, ý tưởng tốt thì sẽ có tiền, chứ không thể có chỗ cho những người thụ động trong trường hợp này", ông nói.
Tuy nhiên, trong quá trình khởi sự kinh doanh, ngoài ý tưởng thì "cũng cần tiền".
"Có thể phải đi vay tiền khi khởi sự và ngân hàng ban đầu chắc chắn cũng sẽ không cho bạn vay vì họ phải xem bạn có gì trong tay, ít nhất là ý tưởng. Là doanh nhân không có người giúp cũng là bình thường, có người giúp mới là bất thường", ông tiếp lời.
Tỷ phú Jack Ma nhấn mạnh, bước đầu khởi nghiệp không cần làm gì quá to tát, chỉ cần cái gì nhỏ nhưng thú vị và "phải có tình yêu trong đó".
Cùng với đó, thủ tục hành chính cũng cần cải thiện một cách nhanh nhất có thể. "Hãy để doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ phải lo thủ tục hành chính trong một thời gian ngắn thôi. Chứ không thể thủ tục hành chính "lên xuống, xin cho", ông ví von, đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ cần tạo ra không gian để làm sao tinh thần doanh nhân, kinh doanh dễ dàng.
Thế kỷ trước nền kinh tế đã được công nghiệp hóa, cách mạng hóa. Nhưng chỉ có 20% doanh nghiệp của các nước lớn là thành công, 80% doanh nghiệp nhỏ không được thành công. Trong thời đại toàn cầu hoá, tỷ lệ này cần thay đổi lại, 80/20.
"Muốn thành công chúng ta phải bao trùm, bao quát mọi mặt. Như vậy, làm thế nào để giải quyết để 80% chứ không phải là 20%. Đó chính là mục đích của thanh toán điện tử để sao cho vấn đề thanh toán di động thúc đẩy cho tài chính bao trùm", ông nói.
Nghe Jack Ma nói về khởi nghiệp, khơi gợi tinh thần kinh doanh trong giới trẻ, Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng bày tỏ, "tôi cũng muốn khởi nghiệp ngay dù đã ở tuổi ngoài 60".
Nêu câu hỏi với ông chủ Alibaba, ông Ngoạn băn khoăn, "Liệu còn dư địa cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và startup hay không trong sự cạnh tranh phát triển thanh toán, thương mại điện tử hiện nay?".
Đáp lại, tỷ phú Jack Ma chia sẻ, khi bạn nghĩ là không có cơ hội cho mình thì các bạn là người thiếu trí tưởng tượng. Một thế giới mới vừa bắt đầu nếu các bạn muốn tham gia cùng Alibaba. Bản thân Jack Ma cũng phải bắt đầu. Trước đây tôi hay kêu ca, tại sao ông này ông kia lấy mất cơ hội của tôi.
Tuy nhiên, thực tế, cơ hội lớn lao vẫn còn cho tất cả mọi người. Đừng cố gắng trở thành Alibaba hay AliPay bởi lớn lên rồi thì tôi gặp phải những vấn đề chưa từng gặp phải. Những triển vọng khổng lồ, những triển vọng lớn lao, vẫn còn đó cho 30 năm tới, thời đạt internet mới chỉ vừa bắt đầu mà thôi.
Và Chính phủ các nước cần quan tâm tới 30 năm tới, giới trẻ dưới 30 tuổi, doanh nghiệp có dưới 30 nhân công.
Cơ hội phát triển thanh toán điện tử Việt Nam "đang tới rất gần"
Nhắc lại câu chuyện của 10 năm trước khi tới Việt Nam lần đầu, Jack Ma kể, năm 2006 khi mọi người nói Việt Nam sẽ là Trung Quốc sau 10 năm nữa. "Lúc đó tôi thấy hơi thất vọng", ông nói.
Chuyến trở lại Việt Nam lần thứ 2 này cảm nhận của CEO Alibaba đã khác. Ông cho biết, cảm nhận đêm đầu tiên xuống phố ông đã cảm thấy "yêu nguồn năng lượng ở đây".
Nhấn mạnh sự quan trọng của kết nối Internet trong phát triển dịch vụ thanh toán, ông thúc giục "tốc độ Internet ở Việt Nam cần nhanh hơn nữa, bởi ở đây tôi thấy cơ hội rất lớn phát triển thanh toán điện tử, trong đó có thanh toán trên di động".
Về phía Chính phủ nên tăng cường các công tác về kho vận hậu cần, giúp hỗ trợ giới trẻ trong việc phát triển kinh doanh, khởi nghiệp trên nền tảng đó...
"Tôi rất vui khi Chính phủ Việt Nam có một diễn đàn như thế này, đa phần những gì quý vị quan ngại hôm nay sẽ không xảy ra đâu. Có thể những điều chúng ta không lo ngại mới có thể xảy ra. Không ai là chuyên gia của tương lai, chúng ta chỉ là chuyên gia của ngày hôm qua. Ngày hôm nay chúng ta nói tới thanh toán di động, nhưng ngày mai điện thoại di động sẽ không còn. Quan trọng nhất là chúng ta phải chắp cánh cơ hội, niềm tin cho giới trẻ", ông chốt lại.
Thanh toán di động: "Không ai có thể cưỡng lại và đứng ngoài cuộc"
Trong phần chia sẻ của mình tại diễn đàn, ông Thomas Ko - Phó tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung toàn cầu, Giám đốc Samsung Pay toàn cầu kể về câu chuyện của bản thân rằng, trước khi sang Việt Nam ông có nói với con gái và cô bé hỏi nếu sang Việt Nam bố sẽ ăn phở chứ? Ông nói chắc chắn sẽ như vậy. Tuy nhiên, khi đi ăn phở sẽ phải mang ví, bởi phải thanh toán bằng tiền mặt. Nếu phải cầm cả ví, cả điện thoại thì sẽ rất bất tiện. Bài toán của Samsung làm cho mọi việc đơn giản hơn, để tích hợp mọi thứ trong chiếc điện thoại để sử dụng hiệu quả để tạo thành một nền tảng hiệu quả.
Ông thực hiện thao tác ngay trên sân khấu và nhấn mạnh phải làm sao để mọi thứ trở nên tiện lợi nhưng phải rất an toàn, thông minh. "Chúng ta hãy cùng nhau để điều đó trở thành hiện thực nhưng nó phải thực sự đơn giản, để người dùng có thể sử dụng một cách say mê. Chúng tôi có thể nói là cả nước đã sẵn sàng đối với việc thanh toán điện tử.
Trước câu chuyện này, ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó tổng giám đốc Napas cho biết, lộ trình của Ngân hàng Nhà nước tới năm 2020 khi Việt Nam cơ bản chuyển đổi sang công nghệ thẻ chip, thì ngoài việc triển khai Samsung Pay tới đây có thể sẽ xuất hiện thêm Apple Pay... Chia sẻ khó khăn mà các Fintech đang gặp phải khi phải kết nối với nhiều ngân hàng khác nhau, ông Hùng cho biết, Napas đang triển khai hệ thống thanh toán bù trừ tự động, ngoài giúp ngân hàng còn giúp các đơn vị trung gian thanh toán, các đơn vị cung cấp dịch vụ có thể đơn giản hoá kết nối, chuẩn hoá việc cung cấp dịch vụ ngân hàng...
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thành viên Ủy ban Quốc gia cho rằng, hạ tầng viễn thông tại Việt Nam hiện nay đi trước một bước, tạo lập hạ tầng quan trọng cho những ngành kinh tế khác phát triển. Số lượng thuê bao điện thoại di động trên 120 triệu, số người sử dụng internet xếp thứ 15 trên thế giới với 53% dân số sử dụng. Internet băng rộng cũng chiếm 40%. Số lượng sử dụng smartphone đến cuối 2017 khoảng 50 triệu. Đây là dư địa lớn cho thanh toán mobile.
Về phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng nhìn nhận, thanh toán di động là một xu thế tất yếu nên việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là cần thiết. Do đó, thời gian tới, cơ quan này sẽ nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng, tiến bộ của sản phẩm công nghiệp 4.0, hướng đến xây dựng một hệ thống ngân hàng kỹ thuật số trong tương lai.
Đồng tình quan điểm trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, xu thế này mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể: người dân, doanh nghiệp, Nhà nước. "Xu hướng này chắc chắn sẽ bùng nổ tại Việt Nam và thế giới thời gian tới.
Ông đề nghị các bộ ngành nghiên cứu thêm phát triển thanh toán điện tử trong quản lý nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam, hiện tỷ trọng này chiếm phần lớn tại các vùng đô thị, nông thôn. Quản lý được khu vực này sẽ giúp nền kinh tế phát triển bình đẳng hơn, chống xói mòn trong thu thuế. "Chính phủ, cá nhân tôi rất ủng hộ và cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển thanh toán di động và để xu thế này phát triển bùng nổ tại Việt Nam. Phổ cập để đi nhanh, để chúng ta không tụt lại phía sau. Đi nhanh để không một ai thụt lại phía sau trong quá trình này", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài việc cần lắng nghe, đối thoại thì để hệ sinh thái thanh toán di động thành hiện thực, ông Huệ cho biết Chính phủ cam kết sớm thực thi, hoàn thiện tài chính toàn diện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử để "Việt Nam mạnh lên bằng công nghệ thông tin".
Ông bổ sung thêm, để hoàn thiện hệ sinh thái cho mobile payment thì cũng cần có thời gian. Những vấn đề gì cần thử nghiệm trước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin & truyền thống đề xuất và Chính phủ sẽ xem xét trên cơ sở tạo bước đi vững chắc cho phát triển hệ sinh thái này.
Cơ hội "vàng" cho thanh toán di động
Ở phiên thảo luận đầu tiên, dưới sự điều phối của bà Đàm Bích Thuỷ - Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, các đại diện thảo luận về xu hướng Mobile Payment trên thế giới và xu hướng tại Việt Nam.
Khẳng định xu hướng Mobile Payment là tất yếu trên thế giới, ông Nguyễn Quang Hiền Huy - Phó tổng giám đốc, Giám đốc Điều hành ngành hàng Thiết bị Di động Công ty Điện tử Samsung Vina cho biết, tại Hàn Quốc, khi đi chợ người dân không mang tiền mặt và thẻ, mà chỉ dùng điện thoại.
Ông Nguyễn Triệu Huy - CEO Disruptive Group lấy ví dụ Kenya, Trung Quốc hay Ấn Độ để dẫn chứng về tốc độ tăng trưởng của thanh toán điện tử mạnh. Nếu như Kenya là điển hình về tiền tệ di động thì ở Ấn Độ, Trung Quốc thanh toán điện tử trở thành đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển hạ tầng tài chính di động.
Tại Việt Nam, điện thoại di động cũng đang tăng nhanh và ông cho rằng cơ hội để phát triển tốt loại hình thanh toán không dùng tiền mặt.
Các diễn giả cũng chia sẻ về cơ hội cũng như thách thức của thanh toán điện tử tại Việt Nam. Việt Nam là thị trường thứ 19 mà tập đoàn này triển khai Samsung Pay. Lãnh đạo Samsung cho biết, có 4 yếu tố khiến Tập đoàn này quyết định triển khai Samsung Pay tại Việt Nam.
Thứ nhất, là chỉ đạo mang tính vĩ mô của Chính phủ. Thứ hai, thị trường bán lẻ Việt Nam nằm trong top 3 điểm đến của các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này tại châu Á. Thứ ba, tại Việt Nam có tổng cộng hơn 110 triệu thẻ ngân hàng đã được phát hành - một con số mà theo ông Huy là khá ấn tượng và theo dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng, dự kiến là 150 triệu thẻ trong năm 2018.
Một lý do nữa là tăng trưởng về lượng người dùng smartphone. Tính đến hết tháng 6/2017, Việt Nam có khoảng 48 triệu thuê bao di động băng rộng gồm cả 3G và 4G.
Ở phần chia sẻ tại diễn đàn, đại diện các ngân hàng cho biết từ nhiều năm trước đã đầu tư mạnh vào thanh toán điện tử để đưa các sản phẩm dịch vụ tới gần hơn với khách hàng. Trong đó, các nhà băng có áp dụng những công nghệ mới nhất nhưng hiện sự phát triển vẫn manh mún. Để khắc phục những điều đó, bên cạnh bài toán đồng bộ về công nghệ, theo lãnh đạo các ngân hàng còn cần có những thay đổi quan trọng về mặt nhận thức của người dùng.
Không riêng ngân hàng, các Fintech như Momo, Moca cũng có những giải pháp thanh toán di động phù hợp với thị trường Việt Nam. Chia sẻ tại VEPF, ông Trần Thanh Nam, Tổng giám đốc Moca cho biết, mã QR chính là chất xúc tác cho sự bùng nổ của thanh toán di động là mã QR.
Trong bối cảnh giá máy POS cao, 300-400 USD một máy, nên tỷ lệ máy POS trên dân số chỉ bằng 1/10 các nước khác như Singapore, Mỹ... , giá đầu tư của QR Code thấp hơn. Đơn cử gắn mã QR code cho 1.000 xe taxi này sẽ chỉ cần in sticker với tổng chi phí khoảng 10 – 20 triệu đồng. Trên thị trường Việt Nam, các hoạt động bán lẻ truyền thống còn chiếm một tỷ trọng rất lớn. Vì thế, ứng dụng thanh toán di động qua mã QR cho các cửa hàng offline có thể đóng góp lớn nhất cho thanh toán phi tiền mặt.
Với chủ đề "Mobile Payment – Nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt", Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2017 do VnExpress và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức, với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Diễn đàn năm nay kéo dài trong hơn 4 giờ, gồm 3 phiên thảo luận với gần 20 diễn giả uy tín hàng đầu trong và ngoài nước. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có những phát biểu chỉ đạo quan trọng. Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh, Thứ trưởng Công Thương Cao Quốc Hưng và Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cũng tham gia chương trình, thảo luận sôi nổi để tìm ra cách phát triển hệ sinh thái cho thanh toán di động ở Việt Nam.
Điều phối các phiên thảo luận với những tên tuổi uy tín trong nước, như Chủ tịch Tập đoàn FPT - Trương Gia Bình, bà Đàm Bích Thủy – Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam và ông Vũ Viết Ngoạn – Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã gợi mở nhiều vấn đề được quan tâm, tạo sức thu hút lớn với hơn 700 khách.
Đặc biệt, trong năm thứ ba tổ chức, Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017 đón chào khách mời đặc biệt là tỷ phú Jack Ma - Chủ tịch Tập đoàn Alibaba - hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Sự xuất hiện của ông nhanh chóng "đốt cháy" diễn đàn. Tại phiên đối thoại xoay quanh những kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên thiết bị di động ở Trung Quốc (qua ứng dụng Alipay) và câu chuyện toàn cầu hoá của nền tảng thương mại lớn nhất thế giới Alibaba, Jack Ma tạo sự cuốn hút bằng những câu trả lời thẳng thắn và không kém hóm hỉnh.
Xem diễn biến chính