Tại cuộc họp về xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương chiều 5/7, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cả 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương đều chung "bệnh", là khi lập dự án, phê duyệt dự án thì làm rất nhanh nhưng khi tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản rất trì trệ, vướng mắc pháp lý với các nhà thầu EPC. Nhiều dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm 43% so với dự toán, nhiều dự án kéo dài tới giờ chưa xong, có nhà máy xong rồi nhưng không hoạt động được.
Chỉ đích danh dự án cụ thể, Phó thủ tướng tỏ ý không hài lòng khi thời gian qua các dự án thua lỗ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) như Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Tổng công ty Xơ sợi Đình Vũ (PVTex), Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất... gần như "không có chuyển biến gì, tình hình còn tệ đi".
“Do các đồng chí không chịu làm. Không nói chung chung nữa vì càng nói càng không làm được đâu. Cả Quốc hội, Chính phủ rồi toàn dân bức xúc mà lãnh đạo tập đoàn làm như không phải việc của mình”, Phó thủ tướng gay gắt.
Cụ thể, Nhà máy Ethanol Dung Quất tới nay không chạy lại được vì không bảo đảm cả yếu tố kinh tế và kỹ thuật. Xơ sợi Đình Vũ thì ngày càng xấu đi vì vướng vào kiện tụng. Còn Nhà máy Đóng tàu Dung Quất thì chưa thực hiện quyết toán hợp đồng thầu EPC khi xây dựng nhà máy giai đoạn một và chưa thống nhất được giá trị, chi phí thực hiện của chủ đầu tư dự án tàu 104.000 DWT để PetroVietnam làm cơ sở ký kết hợp đồng nhận nợ, thế chấp tài sản bảo đảm và trả nợ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB)...
"Tại sao dự án đạm Ninh Bình dừng sớm hơn, tình trạng kỹ thuật kém hơn nhiều mà họ có chuyển biến, còn các dự án của PetroVietnam thì không “nhúc nhích”? Nhà nước không hỗ trợ, không cấp thêm vốn nữa. Trường hợp không khởi động lại được thì chuyển sang phương án cho bán đấu giá công khai", Phó thủ tướng nói, và yêu cầu lãnh đạo tập đoàn phải có phương án xử lý lập tức, chứ không có kéo dài "nghiên cứu phương án" nữa.
Ông cũng yêu cầu Bộ Công Thương tổ chức họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, tập thể tại PetroVietnam gây thua lỗ tại các dự án trên.
"Có thể xem xét ưu tiên bán dự án, nhà máy cho các nhà đầu tư ngoài nhà nước, cho phép giải thể các dự án không có khả năng, thu hồi tối đa tài sản... Chúng ta phải xắn tay vào việc, ai không làm và làm không xong thì phải thay thế", Phó thủ tướng dứt khoát.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, số lỗ lũy kế của các dự án thua lỗ là hơn 16.120 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 3.956 tỷ, nhiều nhà máy trong số này đang âm vốn chủ sở hữu.
Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, hiện có 6 nhà máy đang vận hành trở lại nhưng vẫn thua lỗ, gồm 4 nhà máy đạm của Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Nhà máy đóng tàu Dung Quất và Công ty Thép Việt - Trung. Số còn lại đang trong tình trạng "đắp chiếu, trùm mền", không hoạt động như Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Tổng công ty Xơ sợi Đình Vũ (PVTex), Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất...
Giá trị của các dự án này tương ứng với 3 tỷ USD, nay đang bị “chôn vùi”, không đóng góp được cho nền kinh tế, Phó thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương phải "chuyển động" để hết năm 2017 hoàn thành phương án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Cuối năm 2018 xử lý căn bản các yếu kém và tới năm 2020 hoàn thành xử lý dứt điểm số dự án thua lỗ này.