Chỉ đạo này được nêu tại thông báo kết luận cuộc họp của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang về tách Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chuyển về Bộ Công Thương, vừa được Văn phòng Chính phủ công bố.
Hiện A0 là đơn vị hạch toán trực thuộc EVN. Để hoạt động của A0 không bị gián đoạn, tránh xáo trộn nhân lực dẫn tới rủi ro vận hành ổn định, an toàn hệ thống điện, cơ chế tài chính là một trong những vấn đề quan trọng sau khi tách khỏi EVN. Cách đây hai tháng, khi trình Chính phủ phương án A0 về Bộ Công Thương, cơ quan này từng xin cơ chế tài chính đặc biệt duy trì lương, phụ cấp cho các kỹ sư điều độ khi chuyển A0.
Theo Bộ này, trung tâm điều độ hệ thống điện có những nhân sự chịu áp lực công việc lớn, điều khiển vận hành hàng trăm nhà máy điện, hàng nghìn thiết bị điện cao áp. Việc này đòi hỏi nhanh, chính xác, không sai sót, đảm bảo vận hành 24/7. Đây là lực lượng tối quan trọng với vận hành an toàn, kinh tế hệ thống điện, cần duy trì ổn định và không dễ dàng thay thế do phải mất gần 2 năm mới có thể có nhân sự mới. Hiện, mức lương bình quân cán bộ kỹ sư của A0 là 40 triệu đồng một người một tháng.
Vì thế, tại thông báo kết luận, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ xây dựng cơ chế tài chính, nguồn thu để A0 hoạt động liên tục, hiệu quả sau khi tách khỏi EVN, thành lập doanh nghiệp mới đến khi Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2024 (giai đoạn chuyển tiếp). Trước mắt, Bộ Tài chính hướng dẫn EVN thực hiện phương án đảm bảo kinh phí hoạt động cho A0 ít nhất đến hết năm 2023. Trường hợp phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất xử lý, báo cáo Phó thủ tướng trước ngày 10/8.
Đề án tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) thành lập doanh nghiệp mới và phương án chuyển giao từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về Bộ Công Thương được lãnh đạo Chính phủ yêu cầu trình trước 30/8.
Bộ Công Thương được giao rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan, bảo đảm cơ sở pháp lý để triển khai ngay sau khi hoàn thành chuyển giao A0 về cơ quan này.
Theo tờ trình của Bộ Công Thương hồi đầu tháng 7, cơ quan này đề xuất chuyển A0 về Bộ theo hai bước, là tách A0 khỏi EVN và thành lập Công ty TNHH MTV trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Sau đó, chuyển quyền chủ sở hữu từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sang Bộ Công Thương.
Do đó, tại thông báo kết luận, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước hoàn thành việc đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp mới.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước trình dự thảo quyết định của Thủ tướng về tách A0 ra khỏi EVN trước ngày 22/8, đảm bảo khả thi, đúng thẩm quyền, pháp luật, nhất là các nội dung về cơ chế tài chính trong giai đoạn chuyển tiếp.
Cơ quan này cùng Bộ Công Thương, EVN rà soát các cơ chế với hoạt động của EVN có thể bị tác động sau khi tách A0 chuyển về Bộ Công Thương. "Không để phát sinh vướng mắc, nhất là các nội dung liên quan tới tranh chấp quốc tế (chủ nợ quốc tế của EVN, các hợp đồng BOT được Chính phủ bảo lãnh", thông báo kết luận nêu.
A0 được thành lập từ năm 1994, vận hành các khâu truyền tải, phân phối điện, để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định. Đơn vị này cũng chịu trách nhiệm vận hành các nhà máy điện; khai thác, điều tiết hồ chứa; xử lý sự cố hệ thống điện 500 kV.
Việc chuyển A0 về Bộ Công Thương được thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng, nhằm tạo điều kiện vận hành cơ chế thị trường trong mối quan hệ giữa đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia với đơn vị phát điện, truyền tải và phân phối theo quy định của Luật Điện lực.