Tại cuộc họp chiều 21/9 về xử lý 12 dự án, nhà máy thua lỗ ngành Công Thương, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, sau hơn một năm xử lý các dự án này đã có chuyển biến tích cực. Đã có 2 dự án trong số 6 dự án thua lỗ trước kia bắt đầu ghi nhận lãi, có dự án tưởng chừng "bán sắt vụn nhưng đã dần hồi sinh" và cũng có dự án khó có phương án cứu vãn...
Đề cập tới khó khăn tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, dự án này quá bế tắc thì "xem xét cho giải thể hơn là kéo dài và ngày càng lún sâu vào nợ, thua lỗ".
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, sau hơn một năm xử lý, dự án gần như chưa "nhúc nhích", khi chưa xây dựng phương án thoái vốn và tiến hành đàm phán với các cổ đông khác, hoặc tìm kiếm đối tác chuyển nhượng, thoái vốn.
Ở dự án này, chủ đầu tư cũng chưa phối hợp với các cổ đông khác tiến hành giải quyết các phát sinh vướng mắc với nhà thầu PVC để thống nhất thanh toán dứt điểm khối lượng công việc mà nhà thầu đã thực hiện dự án.
"Trường hợp việc tìm kiếm nhà đầu tư mới khó khăn và không thực hiện được sẽ phải tính đến phương án phá sản doanh nghiệp, và PVOil cần chủ động đàm phán thống nhất với các cổ đông khác để thực hiện", ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Công Thương cho biết.
Nói thêm về vướng mắc dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, ông Lê Mạnh Hùng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho hay, PVOil chỉ nắm giữ 39,76% và không phải cổ đông chính tại dự án này. Trong khi đó các cổ đông ngoài ngành hiện chiếm 60,24% lại không muốn tiếp tục triển khai dự án.
Tập đoàn, PVOil đã trao đổi với các đối tác để chuyển nhượng phần vốn của PVOil nhưng không có cổ đông nào nhận chuyển nhượng. Công ty cổ phần Hoá dầu và nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) đã triển khai phương án tìm kiếm đối tác đầu tư triển khai tiếp dự án theo nguyên tắc đối tác hợp tác sẽ góp toàn bộ vốn còn thiếu để triển khai, hoàn thành dự án..., song cũng không đạt kết quả.
Do vốn góp của PVOil tại dự án này chỉ 39,76%, còn lại là các cổ đông ngoài ngành dầu khí nên PVOil không quyết được các vấn đề của dự án. "Tình hình quá khó khăn, có lẽ phải tính tới phương án giải thể nhà máy này", ông Hùng nói.
Chia sẻ tại toạ đàm cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước mới đây, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận xét, với các dự án thua lỗ nghìn tỷ quá khó khăn thì "cho phá sản lại là giải pháp tích cực".
Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ khởi công quý III/2009 trên diện tích 50 ha (huyện Tam Nông, Phú Thọ), nhưng đã phải tạm dừng thi công từ tháng 11/2011 do không đạt được thống nhất của các bên tham gia về chi phí phát sinh. Dự án có vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.700 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên 2.400 tỷ. Đến thời điểm tạm dừng, dự án mới hoàn thành 78% khối lượng công việc và tổng và nợ phải trả đến hết tháng 12/2015 gần 830 tỷ đồng. Toàn bộ số nợ này được ngân hàng cho vay xếp vào nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) và đã bán sang VAMC.
Nguyễn Hoài