Tại Hội nghị An toàn giao thông ngày 4/1, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhận xét tuyến buýt nhanh (BRT) đầu tiên ở Hà Nội vừa đưa vào hoạt động đã có nhiều hiệu ứng tích cực, được người dân ủng hộ. Dù vậy, loại hình giao thông công cộng mới còn nhận nhiều ý kiến trái chiều về việc phân luồng gây ùn tắc ở nhiều nơi.
"Hà Nội phải nghiên cứu kỹ, phân luồng giao thông cho tốt và tính đến việc xử lý nghiêm những trường hợp cố tình lấn làn xe buýt nhanh", ông nói.
"Việc xử lý nghiêm phương tiện lấn làn xe buýt nhanh phải làm kiên quyết như Hà Nội quyết tâm luân chuyển luồng tuyến xe khách. Có như thế ùn tắc và áp lực giao thông mới giảm được", Phó thủ tướng yêu cầu.
Báo cáo về hoạt động của BRT, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho hay "tuyến này đã nhận được sự đồng thuận của người dân và cho kết quả tốt".
Năm 2017, thành phố sẽ thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, trong đó có việc tăng cường xử phạt các trường hợp phạm luật và ứng dụng hơn nữa khoa học công nghệ vào quản lý, dùng hình ảnh xử phạt nguội.
Theo ghi nhận của VnExpress, chiều 4/1 dù không phải giờ cao điểm nhưng nhiều phương tiện như ôtô, xe máy, xe đạp cố tình lấn làn xe buýt nhanh, thậm chí tạt đầu khiến tài xế xe buýt phải liên tục nhấn còi hoặc phanh gấp.
Lãnh đạo đội Cảnh sát giao thông số 3 và số 7, Công an Hà Nội cho biết, trước mắt cảnh sát chỉ tuyên truyền, nhắc nhở mà chưa xử phạt người lấn làn xe buýt.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Hà Nội) cho hay, trong những ngày đầu vận hành tuyến buýt nhanh chạy khá ổn định với tần suất từ 5-15 phút/chuyến và 45 phút/lượt. Việc đảm bảo thời gian phụ thuộc rất nhiều vào ý thức người tham gia giao thông.
Theo Nghị định 46, người điều khiển ôtô chạy vào đường cấm, đường ngược chiều, chạy sai làn, trên vỉa hè sẽ bị phạt từ 800.000 đến 1.200.000 đồng, xe máy bị phạt 400.000 đồng.
Bá Đô