Sáng 6/6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trước khi vào phần hỏi đáp, ông báo cáo với Quốc hội tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm 2024 và giải đáp một số nội dung đại biểu đặt ra trong hai ngày chất vấn bốn thành viên Chính phủ.
Về giải pháp phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai các giải pháp đồng bộ.
"Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai 16 dự án với tổng kinh phí 2,5 tỷ USD để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu", ông Hà nói.
Bên cạnh đó, hàng loạt đề án cũng sẽ được chú trọng thực hiện như đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030.
Theo ông Hà, Trung ương sẽ bố trí vốn dự phòng ngân sách để triển khai các dự án cấp bách, khắc phục sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn... bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tháng 7/2023, lãnh đạo Chính phủ cho biết đồng ý vay 2,53 tỷ USD từ 6 đối tác nước ngoài cho 16 dự án phát triển bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long. 16 dự án này đã được hai bộ Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng 13 tỉnh, thành miền Tây thống nhất đề xuất.
Một số dự án có mức đầu tư lớn như: hệ thống đường ven biển dài 415 km đi qua 7 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, với tổng mức đầu tư gần 43.000 tỷ đồng; hoàn thiện đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) vốn hơn 4.150 tỷ đồng (Vĩnh Long); nâng cấp mở rộng quốc lộ 61C dài hơn 37 km (3.888 tỷ đồng, Hậu Giang); hạ tầng đường bộ khu vực nam sông Tiền (4.260 tỷ đồng, Đồng Tháp); xây hệ thống hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (hơn 2.660 tỷ đồng, An Giang).
Ngoài ra, các dự án còn gồm phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu tại TP Cần Thơ với tổng mức đầu tư gần 9.800 tỷ đồng. Dự án gồm các hợp phần: mở rộng 10,2 km quốc lộ 61C (đoạn qua địa bàn), đường kết nối Ô Môn - Thới Lai - Giồng Riềng dài 22,5 km, xây cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối Cần Thơ với Đồng Tháp; dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 53 (46 km), quốc lộ 62 (77 km) và đường Nam sông Hậu (142 km) tổng kinh phí gần 7.160 tỷ đồng...
Các dự án của địa phương sẽ được áp dụng cơ chế cấp phát 90% và cho vay lại 10%. 6 đối tác nước ngoài cho vay ODA gồm: Ngân hàng Phát triển Châu Á, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Tái thiết Ðức, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới.
Trong phần hỏi đáp diễn ra sau đó, 52 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó phát triển công nghiệp chế tạo, chip bán dẫn và năng lượng được nhiều đại biểu quan tâm.
Giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận tài chính
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó đoàn Hải Dương) cho biết hiện nay nhiều quốc gia đã và đang tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn và có sự phát triển vượt bậc. Bà đề nghị Phó thủ tướng đánh giá về cơ hội tham gia vào ngành công nghiệp hấp dẫn này của Việt Nam. "Việt Nam cần giải pháp gì để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp bán dẫn?", bà chất vấn.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết thời gian qua Thủ tướng và các bộ ngành đều quyết liệt chuẩn bị các điều kiện để phát triển công nghệ chip bán dẫn. Thủ tướng cũng đã phê duyệt đề án đào tạo nhân lực để có đủ kỹ sư tham gia chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu. "Chúng ta cần sự tham gia của các trường đại học, cần có nghiên cứu về khoa học cơ bản để tự mình làm chủ được vấn đề về công nghệ", ông Hà nói.
Bà Đoàn Thị Thanh Mai (Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế) đánh giá những năm qua, Việt Nam đã có nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của công nghiệp hỗ trợ, song vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI (chiếm 70% giá trị xuất khẩu công nghiệp). "Theo Phó thủ tướng, thời gian tới cần giải pháp gì để nâng cao tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ?", bà chất vấn.
Ông Hà cho biết Chính phủ sẽ xem xét lại chính sách, tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ, tạo ra hệ sinh thái của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, đây là điểm Chính phủ cần nghiêm túc kiểm điểm. Theo ông, hệ thống chính sách cần có quy định cấp phép cho các doanh nghiệp công nghệ, cam kết đặt ở Việt Nam, hướng tới việc Việt Nam làm chủ công nghệ này.
Theo Phó thủ tướng, một số lĩnh vực Việt Nam có thể tận dụng như năng lượng tái tạo, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, chuyển đổi số, chip bán dẫn. "Chúng ta sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có cách tiếp cận tài chính, đào tạo nhân lực, nắm bắt nhu cầu thị trường, phát triển toàn diện hơn các ngành luyện kim, cơ khí chế tạo", ông Trần Hồng Hà nói.
Cung cấp đủ điện cho doanh nghiệp
Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) nói thời gian gần đây có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam, trong đó có những dự án công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn. Tuy nhiên, một trong những vấn đề các nhà đầu tư quan ngại là việc đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt là cung ứng điện qua cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp.
Ông Minh đề nghị Phó thủ tướng cho biết thực trạng cung ứng điện phục vụ sản xuất hiện nay, trong đó có phục vụ các dự án tiềm năng. "Thực trạng đó ảnh hưởng thế nào đến cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua và giải pháp trong thời gian tới?", ông đặt câu hỏi.
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, trong năm 2023 nước ta có giai đoạn thiếu điện cục bộ ở một số địa phương miền Bắc, gây ảnh hưởng sản xuất. Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt triển khai các công trình dự án điện và tháo gỡ vướng mắc về chính sách đầu tư, giải quyết khâu phân phối điện qua xây dựng đường dây điện 500 kV mạch 3 với thời gian thần tốc. Dự kiến cuối tháng 6 đường dây này sẽ hoàn thành, giải quyết điều tiết điện ở các vùng miền.
Chính phủ cũng đảm bảo đa dạng hóa nguồn điện, cạnh tranh điện thông qua xây dựng nghị định mua bán điện trực tiếp; khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà để phục vụ tự dùng (tự sản, tự tiêu). "Nhà nước đảm bảo cung cấp đủ điện và doanh nghiệp cần chủ động đảm bảo an ninh năng lượng", ông Hà khẳng định.
Trả lời đại biểu Trần Quang Minh (Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình) với nhận định "thủ tục hành chính vẫn là cỗ xe ì ạch", Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết trong nhiệm kỳ này, Chính phủ có nhiều chính sách giảm thủ tục hành chính. "ớn nhất là kiện toàn cơ quan quản lý, giảm được phần lớn các tổng cục. Giảm bao nhiêu cơ quan trung gian là giảm bấy nhiêu thủ tục hành chính", ông nói.
Chính phủ đã họp trực tuyến, giải quyết thủ tục trực tuyến, đề ra mục tiêu giải quyết thủ tục trực tuyến trên cấp độ 4. Nhà nước đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cải cách bộ máy con người. Ngoài ra, Thủ tướng đã yêu cầu cắt giảm tuyệt đối các thủ tục, hướng tới nhiều bộ thủ tục trong một dự án hiện nay sẽ tích hợp trong một bộ thủ tục.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân đề nghị Phó Thủ tướng nêu thứ tự ưu tiên các giải pháp để đạt được các mục tiêu kép là vừa "Khoan thư sức dân", doanh nghiệp, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước?
Phó thủ tướng cho biết ngay sau Covid-19, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt biện pháp từ gói tài chính cho đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư và đến lao động thất nghiệp; chính sách bảo hiểm xã hội để "khoan thư sức dân".
Song, các gói hỗ trợ này chỉ mang tính thời điểm. Phó thủ tướng cho rằng cần các giải pháp căn cơ đó là giúp người dân thích ứng được trong mọi điều kiện, đảm bảo ngành nghề đều phát triển, đáp ứng công ăn, việc làm cho người dân. Thông qua tác động của Covid-19, ông Hà cho thấy cần chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi mô hình kinh tế; hỗ trợ đào tạo, phát triển nhân lực. "Quan trọng hiện nay là nâng cao hiệu quả, năng suất chất lượng trong đầu tư, nhất là lĩnh vực giáo dục, đào tạo, chuyển giao khoa học, công nghệ", ông Hà nói.
Sẽ có chính sách để kích cầu tiêu dùng, du lịch
Về điều hành kinh tế vĩ mô, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Phó chủ Nhiệm Ủy ban Tư pháp) đánh giá Chính phủ đã nỗ lực kiểm soát lạm phát nhưng áp lực điều hành lạm phát vẫn rất lớn, nhất là khi cải cách tiền lương từ 1/7. "Đề nghị Phó thủ tướng cho biết công tác điều hành giá trong thời gian tới để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát và giải pháp căn cơ để bảo vệ sức khỏe người dân khi vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng phức tạp", bà Hoa chất vấn.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng lạm phát liên quan nhiều đến các mặt hàng thiết yếu. Việt Nam lại là nền kinh tế mở nên nhiều vật tư, nguyên liệu phải nhập khẩu từ thị trường thế giới. Trong khi đó, Việt Nam đang thực hiện nhiều gói kích cầu phát triển kinh tế và chuẩn bị tăng lương. Đây "có thể là nguyên nhân" ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát.
Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đảm bảo sản xuất, cung ứng, phân phối. Nhiều mặt hàng Chính phủ quản lý về giá đã có điều chỉnh với lộ trình phù hợp, ví dụ như giải pháp xử lý về giá vàng để đạt mục đích kiểm soát ổn định giá trị đồng tiền.
Theo ông, thời gian tới Chính phủ sẽ đưa ra các chính sách để kích cầu tiêu dùng, du lịch, mua sắm, tăng đầu tư công, cơ sở thiết yếu để đảm bảo sản xuất và phát triển kinh tế. Nếu điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế với lạm phát, kết hợp hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ với tài khóa thì "hoàn toàn có thể điều chỉnh được giá".
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết sau 2,5 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn.
193 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu (trong đó 162 lượt chất vấn 31 lượt tranh luận); còn 160 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu. Chủ tịch Quốc hội đề nghị những đại biểu này gửi câu hỏi đến Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành để được trả lời bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá các nội dung chất vấn đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, "đúng" và "trúng" những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước và đại biểu Quốc hội quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.
Ông đề nghị Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội để phát huy những kết quả đạt được và tập trung khắc phục hạn chế trong từng lĩnh vực.
Xem diễn biến chính