Tại hội nghị sơ kết của Ban chỉ đạo 138 và 389 sáng nay (23/7), Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đánh giá, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã được tập trung chỉ đạo. Nhưng ông cho rằng công tác này "vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản".
Theo ông, tình trạng hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc vẫn bán công khai ở nhiều nơi và tăng mạnh trên môi trường mạng. Tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp qua khai báo gian về giá, chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp. Chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn việc lợi dụng chính sách quản lý để buôn lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ...
Ông Trương Hòa Bình cho rằng, nguyên nhân là chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đồng thời, một số cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện bao che, thậm chí "bảo kê" cho tội phạm...
Thời gian tới, Phó thủ tướng yêu cầu kiểm điểm nghiêm người đứng đầu nếu địa bàn, lĩnh vực để tội phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra nghiêm trọng, kéo dài hoặc có cán bộ cấp dưới tiêu cực, tham nhũng... Ông giao Ban chỉ đạo 389 quốc gia tích cực phối hợp với các lực lượng. Tổng cục Quản lý thị trường cần đẩy mạnh việc phòng, chống mua bán hàng lậu, không rõ nguồn gốc... trên môi trường mạng.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Hải quan cho biết, thời gian qua, nổi lên các đối tượng vi phạm liên quan đến gian lận về xuất xứ.
Gần đây hải quan đã phát hiện một doanh nghiệp tại TP HCM, không có quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) nhưng đã cấp C/O giả cho 30 công ty khác. Tổng cục trưởng Hải quan cho biết, đang phối hợp với Cục cảnh sát kinh tế, Viện kiểm sát để chuẩn bị khởi tố vụ án này.
Ngoài ra, hải quan cũng vừa kiến nghị Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thu hồi 280 C/O được cấp không đúng quy định sau khi kiểm tra, rà soát. Ông ví dụ trường hợp của một doanh nghiệp sản xuất gỗ ván ép có C/O chứng nhận xuất xứ hàng Việt Nam. Tuy nhiên, khi hải quan đi xác minh đã phát hiện, giám đốc lâm trường, chủ tịch xã "đã nhận một ít tiền" để khai cung cấp gỗ cho doanh nghiệp. Trong khi, thực tế tại đây không có gỗ cung cấp cho doanh nghiệp trên.
Bên cạnh gian lận xuất xứ nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan Việt Nam có với một số thị trường, tình trạng hàng nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) nhưng trên nhãn mác ghi "Made in Vietnam" vẫn tiếp diễn. Hải quan đang phải tập trung xử lý, bắt giữ ngay tại cửa khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Cẩn, xử lý các trường hợp này còn vướng mắc do "còn khoảng trống pháp lý". Hải quan đã kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi quy định rõ thế nào là xuất xứ hàng sản xuất trong nước, để phân biệt với hàng có yếu tố ngoài, sản xuất tiêu thụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Công Thương trả lời đến tháng 6/2021 mới hoàn thành nên hiện hải quan, công an không biết xử lý nhiều vụ vi phạm thế nào.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo 389, 6 tháng đầu năm có hơn 75.000 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các cơ quan chức năng đã khởi tố 1.128 vụ, thu nộp ngân sách gần 11.300 tỷ đồng.
Anh Tú