Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đánh giá, vụ kho hàng hơn 10.000 m2 bán hàng livestream tại Lào Cai bị thu giữ là vụ bán hàng giả, lậu liên quan tới thương mại điện tử lớn nhất từ trước đến nay.
Chia sẻ với VnExpress, đại diện cơ quan này cho biết, từ tháng 10/2018 đến nay, tổng lũy kế giao dịch qua tài khoản của Trần Thành Phú - chủ kho hàng tại thành phố Lào Cai chuyên livestream bán hàng lậu và 5 đối tượng trong nhóm là hơn 649 tỷ đồng. Qua rà soát với các chứng cứ tại hiện trường, quản lý thị trường cho rằng đây là số doanh thu của kho hàng trong hai năm hoạt động.
Lực lượng chức năng nhận định, nhóm đối tượng đã tính toán kỹ khi đặt tổng kho ở Lào Cai vì tiếp giáp cửa khẩu quốc tế, chỉ cần tuồn được hàng qua biên giới là có thể nhập kho số lượng lớn, tránh được sự giám sát của các đơn vị. Đồng thời, chi phí thuê mặt bằng, nhân công tại đây cũng rẻ hơn nhiều các thành phố lớn.
Quản lý thị trường ước tính tổng chi phí hoạt động của kho hàng này khoảng 2 tỷ đồng một tháng. Trong đó, những lao động phổ thông, chốt đơn livestream trong kho, làm việc cả ngày được trả bình quân mỗi tháng từ 5-7 triệu đồng. Thủ quỹ, kế toán khoảng 7-10 triệu đồng, quản lý chung 20 triệu đồng. Cao nhất là một số nhân viên dẫn livestream được trả đến hơn 80 triệu đồng một tháng.
Nhóm đối tượng sử dụng livestream để bán hàng trên Facebook nên chi phí lớn nhất là chạy quảng cáo trực tuyến mất khoảng 400 triệu đồng một tháng, tiếp sau là cước điện thoại khoảng 122 triệu đồng. Sổ sách tại kho này còn ghi nhận một loại chi phí là "luật lá" 20 triệu đồng một tháng. Trả lời VnExpress, đại diện quản lý thị trường cho biết việc này cơ quan chức năng đang xác minh, làm rõ thêm.
Các nhân viên ở kho hàng này khai nhận ban đầu, hàng hóa được tuồn lậu từ Quảng Châu (Trung Quốc). Nhóm bán tối thiểu khoảng 1.000 đơn hàng một ngày, bình quân tháng khoảng 100.000 sản phẩm. Sau khi chốt đơn, hàng được gửi đi khắp cả nước thông qua các hãng chuyển phát nhanh.
Sau 4 ngày kiểm đếm, Quản lý thị trường ghi nhận kho này có 237 chủng loại hàng hóa, với hơn 158.000 sản phẩm. Trong đó, hơn 151.300 sản phẩm không rõ nguồn gốc và 6.688 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới.
"Toàn bộ số hàng này phải chất vào 34 container mới đủ chỗ để niêm phong", cơ quan này mô tả.
Về vụ việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Ban chỉ đạo 389, Bộ Công Thương báo cáo kết quả xử lý trong tháng 8. Đồng thời, hai cơ quan này phải chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm.
Tổng cục Quản lý thị trường khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng khi mua hàng qua livestream nếu không biết rõ người bán, chất lượng hàng hóa... Bên cạnh đó, một rủi ro lớn khác là mất thông tin cá nhân. Bởi qua trường hợp kho hàng ở Lào Cai, cơ quan chức năng phát hiện nhóm đối tượng lấy UID (mã định danh) của người dùng trên Facebook. Với UID của người dùng, kẻ xấu có thể lợi dụng xác định được tên, tuổi, địa chỉ, email, số điện thoại...
Tháng trước, quản lý thị trường Hà Nội và TP HCM cũng kiểm tra, thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm giả các thương hiệu nước ngoài được bán livestream trên Zalo, Facebook và tại các điểm kinh doanh bán lẻ có tiếng ở 2 đô thị lớn nhất cả nước.
Anh Tú