Tại phiên khai mạc Đối thoại Cao cấp APEC về Phát triển Nguồn nhân lực trong Kỷ nguyên số hôm nay (15/5), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét con người ở bất kỳ thời gian nào cũng là yếu tố trung tâm và là động lực của phát triển. Vì vậy, để bắt kịp sự thay đổi của khoa học kỹ thuật ngày nay, các nước cần tạo điều kiện và tìm ra những phương tiện mới để phát triển nhân lực.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 được cảnh báo sẽ khiến hàng loạt người mất việc làm, đặc biệt ở những ngành sử dụng nhiều lao động và tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng việc này cần được nhìn nhận lạc quan hơn. Do trong các cuộc cách mạng trước đây, số việc làm mới, ngành nghề mới được tạo ra còn nhiều hơn số mất đi. Vì vậy, các nước cần nắm bắt cơ hội mà kỷ nguyên số mang lại.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cho rằng công nghệ thông tin sẽ giúp thị trường lao động tổ chức và vận hành hiệu quả hơn. Ví dụ điển hình ở Việt Nam là các sàn giao dịch việc làm trực tuyến ra đời vài năm gần đây, với bộ máy gọn nhẹ hơn nhiều sàn truyền thống.
Số người sử dụng Internet và mạng xã hội tại APEC hiện chiếm hơn nửa dân số thế giới. Tỷ trọng đóng góp của nền kinh tế số vào tăng trưởng của các nước thành viên cũng cao hơn trung bình thế giới. Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ này sẽ còn tăng cao.
“Điều đáng lưu ý là trong kỷ nguyên số này, công nghệ thông tin không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, mà còn là phương tiện kết nối, mở ra chân trời, thế giới mới để mọi người, mỗi người được tiếp cận, được chia sẻ, được giao lưu, được phát huy sáng tạo và khẳng định giá trị cá nhân của mình và đóng góp vào thành tựu chung, vào văn minh nhân loại”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cũng đồng tình với nhận định này. Ông cho biết các nền kinh tế APEC sẽ tăng cường hợp tác phát triển nhân lực, cho phù hợp với cả nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động.
Tại buổi đối thoại, các đại biểu đã thảo luận về ý nghĩa của số hóa với việc làm trong tương lai, cũng như những thách thức và cơ hội mà nó mang lại. Để giải quyết những thách thức này, các các nước sẽ tập trung nâng cao giáo dục, đào tạo kỹ năng để đảm bảo người lao động có khả năng tận dụng tốt những cơ hội mới. Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội cũng cần thay đổi để hỗ trợ những người chịu tác động bởi công nghệ.
Trong buổi họp báo sau phiên đối thoại, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội - Doãn Mậu Diệp cũng khẳng định Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 có thể có tác động tích cực lên nhiều mặt, như máy móc giúp con người làm các công việc lặp đi lặp lại. Ngoài ra, nhiều ngành nghề máy móc không thể thay thế được con người, như những công việc cần cảm xúc hay tư duy sáng tạo cao. Vì thế, các nước APEC sẽ hợp tác nhận diện những ngành nghề có thể tiếp tục phát triển và tìm ra những kỹ năng người lao động cần trang bị để thích ứng với thời kỳ mới.
Hà Thu