Ông đồ Đặng Anh Việt (ủy viên Ban chủ nhiệm CLB thư pháp UNESCO Việt Nam) và Nguyễn Vũ Hợp (Phó chủ nhiệm thường trực CLB thư pháp Hương Nam) cho biết, sau 4-5 cuộc họp giữa đại diện 10 CLB thư pháp thủ đô với Trung tâm Hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lãnh đạo Sở Văn hóa, chính quyền và công an quận Đống Đa, phường Văn Miếu, Quốc Tử Giám, các bên đã đi đến thống nhất dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, phố ông đồ sẽ hoạt động trong khu vực hồ Văn.
"Đây là quyết định nhằm hưởng ứng năm Kỷ cương văn minh đô thị. Chúng tôi hy vọng, phố ông đồ trong hồ Văn sẽ thành địa danh đẹp để sau này nhắc tới, mọi người đều biết đó là nơi các ông đồ ngồi viết chữ. Phố ông đồ sẽ hoạt động từ 23 tháng Chạp", anh Đặng Anh Việt nói.
Ông đồ đã có 13 năm viết chữ ở Văn Miếu này cho biết, cụ đồ bày mực tàu giấy đỏ viết chữ bên tường cổ rêu phong là hình ảnh đẹp nhưng nhiều năm gần đây thường mất trật tự, xả rác bừa bãi làm ảnh hưởng môi trường. Đặc biệt, những ngày mưa, các ông đồ chăng lều bạt lổn nhổn, lụp xụp, đóng đinh vào tường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, gây tác động xấu tới di tích, thẩm mỹ phố phường.
"Bây giờ là thế kỷ 21, ta làm những việc truyền thống nhưng phải theo quy củ và phù hợp với cuộc sống văn minh, hiện đại. Các ông đồ ngày xưa là ngồi sạp cho chữ chứ không phải lăn lê bò toài. Trong thư pháp, người ta trọng cái thần khí của con chữ nhưng việc nhoài người ra viết trên phố như một số ông đồ ngày nay, bút lực, khí lực sẽ không còn nhiều", ông đồ Đặng Anh Việt chia sẻ.
Đại diện CLB thư pháp UNESCO cho biết thêm, đưa các ông đồ vào tập trung trong hồ Văn sẽ giúp quản lý việc viết chữ đúng và tránh tình trạng một số người "bán chữ giá cao". Song song với việc viết thư pháp, phố xuân ông đồ năm nay sẽ thêm hoạt động triển lãm thư pháp. Các ông đồ sẽ ngồi trong hơn 170 kios, xếp xung quanh hồ Văn với không gian thiết kế đẹp.
"Ban đầu cũng có một số ý kiến không đồng thuận với việc ngồi trong hồ Văn nhưng sau khi nghe phương án tổ chức hợp lý, hầu hết các CLB thư pháp đã đồng thuận. Đến nay, có hơn 150 ông đồ đăng ký ngồi trong hồ Văn. 5 cây đại thụ của làng thư pháp Việt gồm: TS Cung Khắc Lược, nhà giáo Nguyễn Thế Anh, cụ Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Như Phách, Nguyễn Minh Châu cũng vào ngồi với tư cách khách mời danh dự. Một số ông đồ hoạt động đơn lẻ, không ở CLB nào, nếu cứ ngồi ngoài phố, cũng sẽ thấy lẻ loi", ông Việt nói.
Là người viết thư pháp và 10 năm liên tục dạo phố ông đồ dịp Tết, ông Phúc Lâm (Trúc Bạch, Hà Nội) cảm thấy tiếc khi hình ảnh ông đồ ngồi trải chiếu hoa bên tường Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ không còn. Theo ông, đây là nét đẹp văn hóa mà người dân cả nước, du khách nước ngoài nhìn vào đều thấy thích thú.
Tuy nhiên, ông đồ 65 tuổi này không đồng tình với hình ảnh lều bạt cho chữ lộn xộn. Ông cho rằng, cần có sự quản lý để gìn giữ nét đẹp của cha ông và uốn nắn những cái chưa phù hợp. "Đưa ông đồ vào hồ Văn giúp hoạt động đầu xuân này được trật tự, ổn định, văn minh, đảm bảo sự công bằng cho các ông đồ, đặc biệt giữ nét tự nhiên, truyền thống của việc cho chữ thì nên làm", ông Phúc Lâm nói.
Trung tâm Hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử giám, Sở Văn hóa Hà Nội cho biết, sẽ tổ chức họp báo thông tin hoạt động này trong thời gian tới.
Dịp Tết Nguyên đán 2014, lần đầu tiên sau 13 năm, phố ông Đồ được tổ chức trong hồ Văn. Tuy nhiên, chủ trương này gặp phải phản đối gay gắt của các ông đồ và người dân vì mất nét đẹp ngày Tết; gây khó khăn trong việc đi lại do phải gửi xe rồi đi bộ qua đường một chiều đông đúc; thiết kế không gian phố ông đồ trong hồ Văn thiếu mỹ quan; không đủ chỗ cho người viết chữ...
Khoảng một tuần sau khi ra chủ trương, phố ông đồ ở hồ Văn đã "vỡ trận", các ông đồ trở lại vỉa hè trải chiếu hoa.
Quỳnh Trang