Ngạn ngữ Việt Nam ta có câu: “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời” để nói về những điều để lại ấn tượng sâu sắc khiến bạn nhớ rất lâu và có khi nó dai đến nỗi dù về bên kia thế giới người ta cũng chẳng thể nào quên được.
Câu chuyện tôi kể ra đây hoàn toàn sự thật về “món ngon nhớ lâu” của đời tôi, dù rằng hàng chục năm đã trôi qua. Bước chân tôi đã đi qua bao nẻo đường của các nước trên thế giới, đã được tận hưởng nhiều hương vị khác nhau trên đất Việt hay khắp nơi trên quả địa cầu này, nhưng hương vị ấy vẫn còn đọng mãi trong tôi đến tận bây giờ mà không hề nhạt phai. Đó là hương vị sữa, bơ và phô mai của miền đất New Zealand.
Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi có cơ may được cử đi công tác đến thành phố Vlapostok của Nga.
Thông thường phương tiện đi đến các nước châu Âu bằng máy bay, nhưng lần này do có chuyến tàu biển cập cảng Hải Phòng. Hãng tàu Fesco của Nga có đội tàu lạnh thường xuyên đến cảng Hải Phòng chở hàng nông sản, vì vậy tôi được bố trí đi cùng tàu như vị khách quá giang vậy.
Trước đêm Noel, tàu rời cảng Hải Phòng. Tâm trạng thật khó tả khi lần đầu ra nước ngoài lại bằng tàu biển, bao nhiêu ký ức ùa vào trong tôi. Ai đã một lần xa nhà, mọi thứ còn bỡ ngỡ, thế giới mới đang chờ đón mà bạn lại không hề biết trước điều gì. Thật thú vị phải không?
Sau đêm đầu, tàu rẽ sóng ra khơi, thời tiết mới đẹp làm sao. Nắng mới lên xuyên qua làn mây trắng lững lờ in trên nền trời xanh biếc, dưới mặt nước, biển một màu xanh bao la mất hút tầm mắt.
Tôi lặng yên nghe sóng biển rì rào vỗ nhẹ vào mạn tàu, con tàu màu trắng nổi bật giữa bầu trời xanh bao la và biển biếc, đón ánh bình minh ban mai trên biển.
Tất cả thiên nhiên, thời tiết, vạn vật và con người lúc này như hòa nhập vào nhau để xua tan và chuyển hóa những nỗi niềm phân ưu mà trước mỗi lúc đi xa tiềm ẩn trong tâm trí mỗi người.
Để rồi từ đó thở cùng tiếng thở với sóng biển, cùng vẩn vơ với làn mây trắng, hay ngỡ mình như được hòa mình vào đại dương bao la ấy, để rồi bao âu lo trong ta tan biến cùng những bọt biển được tạo ra trước mũi tàu.
Đang mãi mê suy tư miên man, tôi được thuyền trưởng mời bữa sáng cùng ông tại phòng ăn của sỹ quan tàu. Bước vào phòng ăn, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là các thanh phô mai vàng óng ả cắt thành miếng vừa ăn xếp ngay ngắn trong chiếc dĩa sứ màu trắng nõn nà.
Một chiếc khác được phủ lên trên bề mặt dĩa hình những con sò bằng bơ vàng óng, mềm mại bên cạnh ổ bánh mỳ vàng ruộm. Những miếng giăm bông, xúc xích cũng đã được bày ra sẵn, đồ ăn, thìa, nĩa trắng muốt nằm ngay ngắn, có trật tự trên tấm khăn trải bàn màu xanh nước biển.
Mở đầu câu chuyện, vị thuyền trưởng kể rằng tàu ông chở các sản phẩm sữa từ New Zealand đến, đang trên đường về Vlapostok thì tiện đường ghé qua cảng Hải Phòng để xếp thêm hàng.
Ở Nga hiện nay là mùa đông, tuyết phủ trắng xóa, do vậy các sản phẩm sữa như bơ, phô mai từ New Zealand hay rau quả tươi của Việt Nam là nguồn bổ sung quý giá cho nhu cầu sinh hoạt của người dân vùng Viễn Đông Nga.
Ông hào hứng kể cho tôi nghe về đất nước, con người ở Tây Nam Thái Bình Dương, về sản phẩm bơ, sữa, phô mai của “xứ sở mây trắng”- New Zealand. Tôi được thết đãi như vị khách quý bởi ông đã dùng bơ, phô mai của New Zealand.
Chỉ có khách đặc biệt mới được chiêu đãi loại sản phẩm này, bởi theo lời ông thì khi phết bơ lên miếng bánh mỳ hay kẹp miếng phô mai đưa vào miệng là ta như đã thưởng thức được cả hương trời, gió biển.
Ngoài vị béo ngậy của bơ, bùi của phô mai, đâu đây là âm hưởng của những đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ trên những cánh đồng trải dài bên sườn núi, những hồ nước mênh mông in bóng mây trời.
Ông lại kể thêm, cả đời ông gắn liền với biển, đi nhiều nơi trên thế giới, hầu như ngày nào cũng dùng bơ, sữa và phô mai nhưng không ở đâu, không sản phẩm nào có thể sánh được với sản phẩm của New Zealand.
Trong thâm tâm vị thuyền trưởng, cứ mỗi lần được đi New Zealand là ông cảm giác như được về với chốn thiên đường. Ở đó không những được tận hưởng hương vị của bơ, sữa, phô mai thuần túy mà nhiều nước trên thế giới cũng có.
Ở đó trong hương vị của chúng còn chứa đựng hương đồng, gió nội, vị đậm đà của gió biển hòa trong từng sản phẩm. Có cả những tia nắng dịu êm lan tỏa như những dòng mật ong chảy xuống, hun đúc nên sản phẩm bơ sữa và phô mai lấp lánh ánh vàng mà không nơi nào có được như của New Zealand.
Mải mê nghe ông kể chuyện, trên bàn ăn bơ và phô mai vô tình đã biến thành vật minh chứng, minh họa cho câu chuyện của ông đã hết tự bao giờ.
Đối với nhiều người, hồn quê có thể là cây đa, bến nước, sân đình. Có người còn là khói lam chiều, là tiếng ve kêu râm ran trưa hè oi ả, đôi khi lại là cánh đồng lúa chín vàng, là tiếng sáo diều vi vu. Nhưng với tôi, không những thế còn là mùi hương thơm của sữa, vị bùi của phô mai, béo ngậy và đậm đà của bơ New Zealand mà đến tận bây giờ hương vị ấy vẫn còn đọng lại mãi trong tôi.
Thật hạnh phúc, tôi đã từng tự hào vì mình là một trong số rất ít người Việt lúc bấy giờ được thưởng thức hương vị sản phẩm sữa của New Zealand. Ngày nay, nhờ thông thương giao lưu giữa hai nước, các sản phẩm này ta dễ dàng có được tại các siêu thị trên khắp cả nước. Sống ở trên đời, nếu bạn chưa một lần thưởng thức sản phẩm bơ sữa và phô mai New Zealand thì mới luyến tiếc làm sao.