Tu, một lao động người Việt 22 tuổi, đã bị sa thải sau thời gian làm việc tại khách sạn ở một thị trấn suối nước nóng phía bắc Tokyo. Sau vài phút đi bộ trên đường, cô nhìn thấy Jiho Yoshimizu, người điều hành một nhóm hỗ trợ lao động Việt Nam, đang vẫy tay ở lối vào của một tòa nhà kiên cố.
Ngôi chùa 3 tầng Nisshinkutsu đã trở thành một thiên đường cho những người Việt nhập cư trẻ tuổi, một trong những nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 ở Nhật Bản.
"Tôi cảm thấy bị bỏ rơi", Tu nói ngay sau khi đến ngôi chùa. "Tôi thực sự biết ơn khi có thể ở đây".
Bị thu hút bởi mức lương cao, người Việt Nam trở thành nhóm lao động nước ngoài gia tăng số lượng nhanh nhất ở Nhật Bản, bất chấp những món nợ với các nhà tuyển dụng. Năm ngoái, có 410.000 lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản, tăng 24,5% so với năm trước đó.
Trước đây, các ni cô trong chùa thường cầu kinh cho người đã khuất, nhưng khi Covid-19 tấn công nền kinh tế, họ dành một phần thời gian để chuẩn bị những gói thực phẩm cứu trợ cho những người Việt khó khăn ở khắp Nhật Bản. Bên trong chùa, các lao động Việt đang học tiếng Nhật, nấu các món ăn Việt Nam, tìm việc làm hoặc chuyến bay về nước.
"Chúng tôi làm mọi thứ. Chúng tôi chăm sóc cho con người từ khi họ ở trong bào thai cho đến khi họ ở trong lọ tro cốt", Yoshimizu, người đứng đầu Nhóm Hỗ trợ Cùng tồn tại Nhật - Việt, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở ngoài chùa, cho hay.
Ngôi chùa trở nên nổi tiếng với người Việt sau khi tiếp nhận những lao động Việt Nam vô gia cư do thảm họa động đất phía bắc Nhật Bản năm 2011. Khi tiếng tăm của Yoshimizu lan truyền trong cộng đồng, cô bắt đầu nhận được tin nhắn từ những người Việt trẻ, trong đó có phụ nữ đang tìm cách phá thai, lao động bị đuổi việc bất ngờ không có nơi nào để đi và lao động chạy trốn vì bị chủ lạm dụng.
Năm 2019, Yoshimizu đã tiếp nhận khoảng 400 trường hợp, nhưng từ tháng 4, con số tăng mạnh. Hiện cô nhận 10-20 tin nhắn mỗi ngày, tất cả đều là người Việt trên khắp Nhật Bản xin được giúp đỡ.
"Tôi không đếm xuể", cô nói, ngồi cạnh chiếc điện thoại không ngừng đổ chuông với các cuộc gọi và tin nhắn từ những người môi giới lao động, các nhà tuyển dụng và các lao động Việt tuyệt vọng.
"Không ai khác ở Nhật Bản có thể hỗ trợ vào lúc này", cô nói.
Khi Tu bị sa thải mà không được báo trước và được yêu cầu phải rời khỏi ký túc xá, cô đã tìm đến Yoshimizu xin trợ giúp.
"Tôi không có việc làm, không có nơi nào để ở lúc này. Xin hãy giúp tôi. Tôi có thể đến chùa hôm nay không?", cô nhắn cho Yoshimizu.
Tu tốt nghiệp trường nghề hồi tháng 3 và tìm được việc làm từ giữa tháng 4 tại một khách sạn cao cấp ở Nikko, điểm du lịch nổi tiếng với những ngôi chùa. Tuy nhiên, cô cho hay không được giao việc và suốt nhiều ngày chỉ ở trong phòng ký túc xá mà không có gì làm. Tu được trả khoảng 30.000 yen (gần 280 USD) hồi tháng 5 và không biết có được trả lương vào tháng 6 hay không. Đại diện khách sạn từ chối bình luận vì không trực tiếp tuyển dụng Luong.
Nhiều lao động Việt Nam đến Nhật Bản trên tư cách du học sinh hoặc thực tập sinh, khiến họ bị phụ thuộc vào các nhà tuyển dụng và dễ bị lạm dụng, bóc lột. Yoshimizu tháng trước đã phát biểu trước quốc hội Nhật Bản, đề nghị chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho du học sinh Việt không có bảo hiểm việc làm.
"Chính sách Covid-19 của chính phủ hiện nay đang tập trung vào hỗ trợ người Nhật Bản trước", cô nói.
Anh Ngọc (Theo Reuters)