Trong tọa đàm về thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng, do một đơn vị truyền thông tổ chức chiều 19/4 ở Hà Nội, ông Trần Hướng Dương phát biểu: "Quan điểm của tôi là không dùng từ phong sát, cấm sóng với những người làm nghệ thuật, bởi việc này không phù hợp văn hóa, điều kiện đất nước. Chúng tôi có nghiên cứu, tham khảo cách làm việc của nước ngoài, nhưng áp dụng tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn".
Ông Dương cho rằng với những trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng có thể sử dụng luật an ninh mạng, luật công nghệ thông tin, Nghị định về nghệ thuật biểu diễn để đưa ra hình phạt. Cục Nghệ thuật Biểu diễn (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đang phối hợp Bộ Thông tin, Truyền thông, Bộ Công an xây dựng quy chế quy trình xử lý, hạn chế hoạt động và sức ảnh hưởng của những trường hợp không tuân thủ quy tắc ứng xử. Theo lộ trình, dự thảo sẽ hoàn thiện trước tháng 10.
Theo Baidu, "phong sát" là từ thường được dùng trong lĩnh vực giải trí, thể thao, chỉ việc một người nổi tiếng bị áp các hình thức trừng phạt như: Cấm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, cấm thi đấu do vi phạm pháp luật, đạo đức, bị xóa sổ thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Những năm gần đây, loạt sao thần tượng đình đám Trung Quốc bị "phong sát".
Ông Dương cũng nhắc lại bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ, với một mục yêu cầu riêng về cách hành xử trên không gian mạng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các nghệ sĩ cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có kiểm chứng, bình luận đúng mực, có văn hóa về những vấn đề dư luận quan tâm, không gây mâu thuẫn, phân biệt vùng, miền, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo hoặc sử dụng hình ảnh phản cảm.
Dự tọa đàm, người mẫu Hạ Vy nói: "Tôi nghĩ việc phong sát có thể bất khả thi nhưng các cơ quan lãnh đạo cần có biện pháp mạnh hơn với nghệ sĩ có lối hành xử, lời ăn tiếng nói không phù hợp thuần phong mỹ tục. Ngoài xử phạt, có thể cân nhắc hủy trang cá nhân của họ trên các nền tảng mạng xã hội". Diễn viên trẻ Hàn Trang chung ý kiến: "Tôi nghĩ việc phong sát giống như ở Trung Quốc quá nặng nề, có thể xem xét cấm diễn trong thời hạn hai, ba năm, tùy mức độ vi phạm".
Cuối tháng 3, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết sẽ phối hợp Cục Nghệ thuật Biểu diễn soạn thảo quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm, trái với thuần phong mỹ tục. Dù văn bản không dùng từ "phong sát", "cấm sóng", nhiều người cho biết ủng hộ cơ quan quản lý dùng biện pháp mạnh.
* Đề xuất cấm diễn với nghệ sĩ vi phạm pháp luật
Vấn đề cấm sóng được quan tâm giữa bối cảnh vài năm gần đây, làng giải trí trong nước liên tục xảy ra scandal ở nhiều lĩnh vực, như: Nghệ sĩ tham gia quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, nghệ sĩ dùng mạng xã hội đăng thông tin sai sự thật, tình trạng nhạc "rác", nhảm tràn lan, các vấn đề lùm xùm liên quan đến hoạt động thiện nguyện.
Năm ngoái, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, quy tắc ứng xử theo hướng "cấm sóng", tức là nghệ sĩ đó bị hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng hình ảnh trên các đài phát thanh, truyền hình và môi trường mạng.
Cuối 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng ban hành Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ để "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu". Đây là khung về quy tắc ứng xử chứ không phải quy phạm pháp luật nên không có phần xử phạt, không có chuyện cấm sóng các nghệ sĩ.
Đại diện một số hội, ngành liên quan như Hội Mỹ thuật, Hội nhạc sĩ Việt Nam nhận xét văn bản còn chung chung, chưa có mức phạt cụ thể nên không có tính răn đe.