Trong phần gợi ý xu hướng nội dung nổi bật của Tiktok hôm 5/10 có hashtag #muachoconchieccongtay (Mua cho con chiếc còng tay) thu hút hơn 720.000 lượt xem từ các video. Đoạn nhạc có giai điệu mạnh, tiết tấu nhanh theo phong cách remix với ca từ về quan hệ bố chồng - con dâu. Phần lời trích từ bản rap Censored của Chị Cả - thí sinh King of Rap, phát hành năm 2018. Nhiều tài khoản sử dụng làm nhạc nền cho video đăng trên Tiktok. Trên Youtube, Facebook, ca khúc được đăng tải với nhiều phiên bản, thu hút hơn hàng trăm nghìn lượt xem.
Ngoài Censored, nhiều ca khúc có ngôn từ nhạy cảm được phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội trong nước thời gian qua. MV Cypher nhà làm do Low G, Teddie J, Chí, ResQ phát hành, nói về việc tán tỉnh, quan hệ tình dục. MV hiện thu hút 6,8 triệu lượt xem, gần 4.000 bình luận trên Youtube, sau hơn bốn tháng phát hành. Ca khúc Mẩy thật mẩy của BigDaddy có phần lời bị nhiều khán giả cho là ám chỉ cơ thể phụ nữ, MV hiện đã ẩn trên Youtube nhưng nhiều phiên bản khác vẫn được đăng tải, sử dụng. Bản rap Tượng của Rhymastic viết về giới underground nhưng sử dụng nhiều từ ngữ dung tục. Nhóm Rap Nhà Làm sử dụng một sự tích về Đức Phật để chế lại trong bản rap theo hướng phản cảm. Video minh họa trên Youtube còn ghép mặt một thành viên của nhóm vào hình Đức Phật.
Chị Thu Hương, 46 tuổi, Hà Nội, nói sốc khi nghe phần lời Censored trong video từ tài khoản Tiktok của người quen. "Ban đầu tôi nghe không rõ nên chưa hiểu lắm, sau đó nghe thêm hai lượt thì thật sự ngỡ ngàng vì lời dung tục. Tôi không hiểu sao họ có thể viết ca từ như vậy rồi lan khắp mạng xã hội". Chị lo lắng khi con trai hiện học lớp 6 có khả năng nghe và tiếp thu những nội dung không lành mạnh khi sử dụng điện thoại để giải trí.
Nghệ sĩ Thế Hiển - hội viên Hội Âm nhạc TP HCM - cho biết bức xúc, không tin vào tai khi nghe ca khúc trên mạng xã hội. Ông nói: "Theo tôi, đây không phải tác phẩm âm nhạc vì nó không hướng tới giá trị văn hóa, nghệ thuật". Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết hiện tượng nhạc nhảm có từ cách đây vài năm, nhưng hiện tại mức độ dày hơn, trong đó Mua cho con chiếc còng tay là đỉnh điểm của sự phản cảm. Anh nói: "Với tôi, dù thể loại nhạc nào cũng cần phải có giá trị nhân văn, tính nghệ thuật. Bài hát phải đẹp từ ca từ, giai điệu đến nội dung và thậm chí cả cái tên".
Giới chuyên môn nhận định nhạc nhảm phổ biến do khâu phát hành dễ và sự phát triển bùng nổ của các mạng xã hội. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết trước kia khi muốn phát hành ca khúc, nghệ sĩ phải nộp hồ sơ lên hội đồng xét duyệt, cấp giấy phép mới phổ biến tới công chúng. Hiện các cá nhân có thể tự thu âm, sản xuất MV để đăng lên mạng. Anh nhận định các ca khúc cho thấy sự dễ dãi, thiếu trách nhiệm với cộng đồng của một số người tham gia sáng tác âm nhạc đại chúng.
Anh Quang Long nói: "Ngôn từ nhạy cảm, dung tục sẽ gây ảnh hưởng lớn tới giới trẻ - đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất", anh nói. Theo Independent, TikTok là nền tảng truyền thông xã hội được giới trẻ yêu thích khi những người từ 16-24 tuổi chiếm 60% tổng số người dùng.
Khuya 5/10, rapper Chị Cả xin lỗi khán giả và cho biết không chọn lọc ngôn từ khi sáng tác vì nghĩ tác phẩm không dành cho đại chúng. "Tôi không ngờ bài hát được lan truyền rộng rãi như vậy. Tôi sẽ xóa, ẩn tác phẩm trên các nền tảng và yêu cầu đánh bản quyền trên Tiktok", anh nói. Sáng 6/10, các thành viên Rap Nhà Làm tới chùa Quán Sứ (Hà Nội) - trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - quỳ sám hối, xin tha lỗi vì xúc phạm, báng bổ tôn giáo. Họ cũng xóa video khỏi Youtube và cam kết không để bản rap tiếp tục lan truyền trên mạng.
Số ít nghệ sĩ cho rằng ca khúc có phần lời nhạy cảm dành cho đối tượng khán giả riêng biệt. BigDaddy nói bài hát của anh thuộc thể loại hip hop nên ngôn từ có phần bỗ bã, trần tục. "Ca khúc phù hợp bật trong môi trường bar, club, tiệc tùng giúp mọi người có cảm xúc vui vẻ, hưng phấn, sôi nổi và kết nối. Vì vậy, khi sáng tác, chúng tôi tạo chút cảm xúc bất ngờ với cách thể hiện nội dung", anh nói.
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho biết anh lớn lên ở nước ngoài, tiếp xúc dòng nhạc underground, thậm chí dung tục hơn. Theo anh, nghệ thuật là cách thể hiện nội tâm, tính cách của nghệ sĩ. Họ có thể phô diễn sự sáng tạo với bất kỳ hình thức, ngôn từ nào. Khán giả có thể chọn nghe hoặc không, thích hoặc không thích. Tuy nhiên, ở góc độ văn hóa Việt Nam, nhạc sĩ hiểu vì sao mọi người phản đối. Anh nói: "Đa phần, công chúng quan niệm nghệ thuật phải đẹp. Họ cũng lo sợ âm nhạc ảnh hưởng đến việc giáo dục con cái. Tuy nhiên, việc cấm các ca khúc như vậy có thể là điều không thể trong thời công nghệ số hiện nay. Tôi nghĩ yếu tố giáo dục từ gia đình và nhận thức của mỗi người xem là rất quan trọng".
Tại Trung Quốc, Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới, nhạc "rác, nhảm" cũng phổ biến trong thời đại công nghệ số. Trên Rollingstone, người phát ngôn của TikTok thừa nhận nền tảng này gặp khó khăn trong việc quản lý các video có từ ngữ dung tục. Youtube, Facebook hạn chế ảnh hưởng bằng cách giới hạn độ tuổi người xem hoặc xử lý khi người dùng báo cáo vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.
Theo thống kê đăng trên People's Daily năm 2019, mỗi ngày, Douyin - Tiktok phiên bản nội địa Trung Quốc - có khoảng 10.000 giai điệu mới được sản xuất. Con số này hiện tăng gấp nhiều lần cùng tốc độ tăng trưởng người dùng. Một số ca khúc bị cấm trên các trang nghe nhạc trực tuyến ở Trung Quốc nhưng vẫn dễ dàng xuất hiện trong các video của người dùng trên Douyin có nội dung bị cho là phản cảm về giới tính, thiếu tôn trọng phụ nữ, xúi giục sử dụng ma túy...
Trên People's Daily, Phạm Kinh Nhận - người sáng lập Trung tâm bồi dưỡng tâm lý Tâm Ngạn ở Bắc Kinh - cho biết việc nghe những ca khúc thô tục là tác nhân kích thích cảm xúc tiêu cực. "Đối với người trẻ, nó giống như ma túy, một khi thất vọng, không hài lòng, họ rất dễ chìm đắm trong những bản nhạc rác này, làm tê liệt bản thân, thậm chí tấn công người khác", ông nói.
Hiểu Nhân