Thứ năm, 9/5/2024
Thứ ba, 27/9/2022, 18:04 (GMT+7)

Phố cổ Hội An vắng tanh, dân chằng nhà tránh bão

Quảng NamChùa Cầu khóa cửa, các địa điểm tham quan ngừng đón khách, các hộ kinh doanh lo di chuyển hoặc kê cao hàng hóa trước giờ bão Noru đổ bộ.

Chiều 27/9, phố cổ Hội An có mưa nhỏ, nhiều con đường tại đây thưa thớt khách du lịch do nằm trong khu vực ảnh hưởng bão Noru.

Đường phố Hội An vắng bóng người. UBND TP Hội An đã có văn bản yêu cầu người dân và du khách không ra đường, ngoại trừ làm nhiệm vụ chống bão từ 18h ngày 27/9. Khách du lịch đa phần đã có kế hoạch rời phố cổ từ tối 26/9.

Tuy nhiên, vẫn có một số nhóm quyết định ở lại. Chị Diệu Anh (22 tuổi, Hà Nội) cho biết nhóm của chị có 6 người đến Hội An từ sáng 26/9 và vẫn theo lịch trình ở lại tới 29/9. Chị cho biết tuân thủ các quy định phòng chống bão, không ra khỏi khách sạn. "Đồ ăn uống đã được cả nhóm tích trữ đủ. Khách sạn cũng cung cấp mọi dịch vụ nên không có gì lo lắng", chị nói.

Chùa Cầu từ hôm qua đã đóng cửa khoá ngoài nhưng nhiều người dân và khách du lịch vẫn mặc áo mưa đến tham quan. Trước đó, Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã tổ chức chằng chống, gia cố di tích Chùa Cầu và các di tích, nhà cổ để bảo đảm an toàn trước bão Noru. Hội An cũng đã ngừng bán vé tham quan.

Hầu hết các ngôi nhà nằm dọc sông Hoài có địa thế thấp, chủ nhà hoặc người kinh doanh tiến hành dọn dẹp, chằng chống, bọc nilon cho các ô cửa sổ để tránh gió lùa, mưa tạt.

Ngày 27/9, Thành phố Hội An đã tiến hành sơ tán tập trung hơn 480 người, sơ tán xen ghép hơn 7.800 người để đảm bảo an toàn khi bão vào đất liền.

Những ngôi nhà tại phố cổ hầu hết có cửa sổ bằng gỗ, người dân dùng nilon che bên trong và bên ngoài để chống nước mưa hắt và các khe hở.

Chủ quầy hàng lưu niệm trên đường Nguyễn Thái Học gia cố lại mái nhà trước khi đóng cửa.

Hơn 10 nhân viên cửa hàng vải trên phố Nguyễn Thái Học đóng gói, bọc nylon, chuyển hàng từ tầng 1 lên tầng 2.

"Nhóm của tôi hơn 30 người làm việc xếp gỡ di chuyển đồ đạc từ sáng cho một cửa hàng mà chưa xong. Chủ nhà cẩn thận nên toàn bộ đồ vải vóc quần áo, đồ gỗ đều được di chuyển lên cao", anh Nguyễn Văn Tới (góc trái) nói và cho biết cả nhóm kiếm được 10 triệu đồng tiền công.

Hầu hết các kệ đồ được dọn sạch sẽ lên cao. Ông Thanh (đường Bạch Đằng) cho biết, có năm nước ngập vào nhà, tất cả các tủ gỗ trong nhà đều nổi lềnh bềnh, nhưng chỉ sau một ngày là nước rút.

Một cửa hàng kê cao bàn ghế tránh ngập.

Nhân viên môi trường cắt tỉa cành cây xanh để đảm bảo an toàn trong mưa bão.

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net