Chiều 20/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho hay ngoài vi phạm nêu trên, ông Đặng Phan Chung còn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trước đó, đầu tháng 6, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã giải quyết đơn tố cáo và xem xét việc thi hành kỷ luật của Ban thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đối với ông Đặng Phan Chung. Vị Phó chủ tịch HĐND tỉnh bị kiểm tra việc ký văn bản yêu cầu TAND tỉnh Gia Lai cung cấp hồ sơ bản án, báo cáo quan điểm và giải trình.
Theo hồ sơ, năm 2015, ông Lê Viết Chín, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi (TP Pleiku), có hơn 20.000 tấn sắn lát khô xuất khẩu, trị giá hơn 100 tỷ đồng, chứa trong kho ở huyện Ia Grai. Để có tiền kinh doanh, doanh nghiệp ký hợp đồng vay vốn ngân hàng BIDV Nam Gia Lai. Số hàng trong kho được định giá 88 tỷ đồng. Sau khi ký kết, ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp Phú Lợi bàn giao toàn bộ kho hàng để họ quản lý.
Một năm sau, kho hàng bị cháy hoàn toàn. Doanh nghiệp Phú Lợi nhiều lần yêu cầu ngân hàng phối hợp giải quyết hoặc bồi thường thiệt hại nhưng không được chấp thuận. Sau đó, họ khởi kiện, yêu cầu ngân hàng bồi thường 117 tỷ đồng (hàng hóa, nhà kho, tiền lãi).
Đầu tháng 4/2018, TAND TP Pleiku xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện "bồi thường về tài sản" của ông Lê Viết Chín; buộc ngân hàng bồi thường 115 tỷ đồng.
Gần hai tháng sau, ông Đặng Phan Chung, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai, ký văn bản gửi TAND tỉnh đề nghị cung cấp bản sao toàn bộ hồ sơ liên quan đến quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm; Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh và lãnh đạo TAND TP Pleiku báo cáo quan điểm giải quyết vụ án; yêu cầu thẩm phán Ngô Thanh Quảng viết bản giải trình.
Cuối tháng 8/2018, TAND tỉnh Gia Lai xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho TAND TP Pleiku giải quyết lại.
Cho rằng văn bản lãnh đạo HĐND tỉnh ký làm thay đổi kết quả vụ án, ông Chín đã gửi đơn lên Tỉnh ủy Gia Lai khiếu nại. Không được giải quyết thỏa đáng, chủ doanh nghiệp tiếp tục khiếu nại lên Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban kiểm tra Trung ương.
Giải thích với báo chí sau khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, ông Chung cho rằng, quyền của đại biểu HĐND được biết sự việc, nên đã ra văn bản yêu cầu tòa án cung cấp thông tin, báo cáo, "tức không có định hướng giải quyết vụ việc như thế nào". "Việc ra văn bản trên là không sai, vì thẩm quyền thường trực HĐND cho phép", ông Chung khẳng định.
Tại kỳ họp 46, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu UBKT Tỉnh ủy Gia Lai tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Gia Lai trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc và tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm trên địa bàn tỉnh.