"Tôi đang làm giải trình, còn kết luận thế nào thì phải chờ", ông Đặng Phan Chung nói ngày 12/6, hai ngày sau khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thực hiện kiểm tra giải quyết đơn tố cáo và xem xét việc thi hành kỷ luật của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đối với ông.
Theo hồ sơ, năm 2015, ông Lê Viết Chín, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi (TP Pleiku), có hơn 20.000 tấn sắn lát khô xuất khẩu, trị giá hơn 100 tỷ đồng, chứa trong kho ở huyện Ia Grai.
Để có tiền kinh doanh, doanh nghiệp ký hợp đồng vay vốn ngân hàng BIDV Nam Gia Lai. Số hàng trong kho được định giá 88 tỷ đồng. Sau khi ký kết, ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp Phú Lợi bàn giao toàn bộ kho hàng để họ quản lý.
Một năm sau, kho hàng bị cháy hoàn toàn. Doanh nghiệp Phú Lợi nhiều lần yêu cầu ngân hàng phối hợp giải quyết hoặc bồi thường thiệt hại nhưng không được chấp thuận. Sau đó, họ khởi kiện, yêu cầu ngân hàng bồi thường 117 tỷ đồng (hàng hóa, nhà kho, tiền lãi).
Đầu tháng 4/2018, TAND TP Pleiku xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện "bồi thường về tài sản" của ông Lê Viết Chín; buộc ngân hàng bồi thường 115 tỷ đồng.
Gần hai tháng sau, ông Đặng Phan Chung, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai, ký văn bản gửi TAND tỉnh đề nghị cung cấp bản sao toàn bộ hồ sơ liên quan đến quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm; Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh và lãnh đạo TAND TP Pleiku báo cáo quan điểm giải quyết vụ án; yêu cầu thẩm phán Ngô Thanh Quảng viết bản giải trình.
Cuối tháng 8/2018, TAND tỉnh Gia Lai xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho TAND TP Pleiku giải quyết lại.
Cho rằng văn bản lãnh đạo HĐND tỉnh ký làm thay đổi kết quả vụ án, ông Chín đã gửi đơn lên Tỉnh ủy Gia Lai khiếu nại. Không được giải quyết thỏa đáng, chủ doanh nghiệp tiếp tục khiếu nại lên Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban kiểm tra Trung ương.
Giải thích với báo chí sau khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, ông Chung cho rằng, quyền của đại biểu HĐND được biết sự việc, nên đã ra văn bản yêu cầu tòa án cung cấp thông tin, báo cáo, "tức không có định hướng giải quyết vụ việc như thế nào". "Việc ra văn bản trên là không sai, vì thẩm quyền thường trực HĐND cho phép", ông Chung khẳng định.
Ông Ngô Thanh Quảng, nguyên thẩm phán TAND TP Pleiku (chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án) cho biết, sau khi tuyên án, ông đã làm văn bản giải trình theo yêu cầu của cấp trên. Căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc Hội và HĐND, thì HĐND Gia Lai có thẩm quyền giám sát TAND, nhưng phải thực hiện theo chương trình giám sát hàng năm, giám sát đối với các báo cáo công tác của tòa án, hoặc giám sát theo chuyên đề.
Theo ông Quảng, mục đích của việc giám sát là theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của tòa án trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật (về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tòa...) chứ không phải đối với một vụ án dân sự cụ thể.
"Về nguyên tắc, tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân thủ theo pháp luật. Nghiêm cấm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc hoạt động xét xử dưới bất kỳ hình thức nào", ông Quảng nói.
Ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, cơ quan chức năng đang làm rõ, khi có thông tin chính thức sẽ phản hồi cho báo chí.
Trần Hóa