Sihanoukville từng là một thành phố nhỏ yên ả ở tây nam Campuchia, nổi tiếng với khách du lịch balô nhờ những bãi biển tuyệt đẹp. Trong hai năm qua, Sihanoukville đã mọc lên gần 30 sòng bạc do Trung Quốc điều hành cùng 70 công trình xây dựng khác, theo CNA.
Nhờ Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc, thành phố duyên hải này đã trở thành một trung tâm casino lớn, thu hút khách du lịch và vốn đầu tư từ Trung Quốc. Nhưng không phải ai cũng vui vẻ với sự phát triển vượt bậc này.
Vuth Ung, một chủ nhà hàng, than thở kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề vì khách và các nhà đầu tư Trung Quốc thích tới ăn ở các nhà hàng Trung Quốc mới mở hơn là tới quán ăn của người địa phương.
"Tiền của họ, họ muốn trả lại cho người Trung Quốc", ông nói.
Đầu tư của Trung Quốc đã biến Sihanoukville thành một tiểu Macau, với sòng bạc và các khu công nghiệp, tạo hàng trăm việc làm cho người dân địa phương. Nhưng các doanh nghiệp địa phương cảm thấy bị đe dọa. Hàng trăm doanh nghiệp gia đình đã phải đóng cửa trong năm qua vì ế ẩm, cũng như bị chủ đất đòi nhà do thích cho người Trung Quốc thuê với giá cao gấp 5 lần.
Vấn đề càng tồi tệ hơn khi các doanh nghiệp địa phương dần đánh mất khách hàng truyền thống là những khách du lịch phương Tây từng đổ xô tới đây để tận hưởng các bãi biển quyến rũ với nắng vàng, biển xanh và cát trắng.
Dòng khách du lịch Trung Quốc đẩy giá khách sạn cao gấp ba lần. Năm ngoái, khoảng 120.000 khách du lịch Trung Quốc đã tới đây, cao gấp 4 lần so với năm trước. Còn khách Tây, những người du lịch với ngân sách thấp hơn đã ngừng tới đây. Hậu quả này tác động trực tiếp và sâu sắc tới những doanh nghiệp và chủ nhà hàng như ông Ung.
Hai năm trước, ông điều hành một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất Sihanoukville còn bây giờ, ông chẳng còn gì. Ung đổ lỗi cho người Trung Quốc. "Khách Tây giờ ít lắm, rất ít. Họ không tới nữa rồi", ông nói.
Ở phía bên kia đường là nhà hàng của Liu Hu, một ông chủ Trung Quốc mở nhiều quán ăn trong thành phố. Đồ ăn của Liu chuyên về ẩm thực Thiểm Tây ít chua và ít ngọt hơn những món Khmer truyền thống.
"Khách Trung Quốc thích đồ ăn vị không quá ngọt, trong khi một số khác lại thích đồ cay, họ không quen với ẩm thực địa phương", Liu nói.
Theo số liệu năm nay của Bộ Nội vụ Campuchia, khoảng 210.000 người Trung Quốc đang sinh sống ở quốc gia này, năm ngoái chỉ có 100.000 người. Hiện 78.000 người sống ở tỉnh Sihanoukville. Người Trung Quốc quá đông khiến tỷ lệ tội phạm tăng.
"Sự hiện diện của họ đã tạo cơ hội cho người Trung Quốc thuộc thành phần các băng đảng tội phạm thực hiện những hoạt động phạm tội và bắt cóc nhà đầu tư Trung Quốc, tạo môi trường an ninh bất ổn", tỉnh trưởng Yun Min cảnh báo.
Tiến sĩ Mey Kalyan, đại học Hoàng gia Phnom Penk, cố vấn cấp cao của Hội đồng Kinh tế Tối cao Campuchia cũng cho rằng tốc độ phát triển ở Sihanoukville quá nhanh. "Nó khiến hệ thống mất cân bằng, tạo tâm lý thù địch và lo ngại trong cộng đồng dân địa phương", ông nhận xét. Nhiều người Campuchia cảm thấy rằng quốc gia đang mất dần vào tay người Trung Quốc và cho rằng "đó không phải xu hướng tốt".
"Tôi không rõ nên áp dụng biện pháp nào, nhưng tôi chắc chắn rằng ở Sihanoukville và mọi nơi khác, chính phủ phải hành động để duy trì sự ổn định", ông nói.
Tuy nhiên, Campuchia phải cẩn thận đàm phán với Trung Quốc do nó ảnh hưởng tới quan hệ song phương. "Chúng ta phải làm việc với chính phủ Trung Quốc để tìm cách giảm thiểu những mặt tiêu cực".
Nhiều cơ hội việc làm hơn
Nhìn theo góc độ khác, dòng tiền Trung Quốc chảy vào Sihanoukville mang lại nhiều lợi ích, một trong số đó là cơ hội việc làm. Người nông thôn chuyển lên thành phố cảng này vì sức hấp dẫn của tiền lương và tiền thưởng của các casino.
Một trong những sòng bạc mới nhất trang bị 30 bàn chơi và có 560 nhân viên, 95% là người địa phương, là khách sạn kiêm casino Jin Beim do Benson Tan làm giám đốc điều hành. Tan từng làm giám đốc điều hành Marina Bay Sands nổi tiếng ở Singapore.
Ông tin rằng nếu thiếu vai trò của Bắc Kinh trong đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng trưởng kinh tế của Sihanoukville sẽ tụt hậu 5-10 năm. Tan nhắc tới đề xuất xây dựng cao tốc kết nối thành phố với thủ đô Phnom Penh, rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn 2,5 tiếng.
"Điều này sẽ mang hàng triệu du khách đến Sihanoukville. Khi đó chúng ta sẽ thu hút rất nhiều người ngoại quốc tới đây tiêu xài", Tan nhận định.
Lim Huey Leng, nhân viên hồ lỳ trong sòng bạc, từ nông thôn lên Sihanoukville tìm cách đổi đời. Anh từng học tiếng Trung hồi cấp ba, và đang kiếm tiền nhờ nó.
"Tôi cảm thấy rất tốt, thỏa mãn với công việc ở đây bởi họ cung cấp nhà ở miễn phí, còn cả đồ ăn nữa", anh nói. "Chúng tôi có cơ hội thăng tiến sự nghiệp, công việc có tương lai".
Sihanoukville đang trở thành một trung tâm sản xuất mới. Đặc khu kinh tế Sihanoukville (SSEZ) là khu công nghiệp lớn nhất Campuchia, đang phát triển thành một trong những đặc khu kinh tế lớn nhất Đông Dương với diện tích hơn 1.1000 ha và được coi là trụ cột trong quan hệ hợp tác Trung Quốc - Campuchia.
Ngoài các tòa văn phòng và chung cư, nơi đây có khoảng 100 doanh nghiệp vốn Trung Quốc, hoạt động trong các ngành công nghiệp dệt may, sản xuất phần cứng. Ví dụ như công ty Hongdou International của Trung Quốc chuyên sản xuất quần áo theo đơn cho các hãng lớn như Celio, Mango, Zara, đa số trong 850 nhân viên là người Campuchia.
Phó tổng giám đốc Liu Lianchi cho biết mở nhà máy tại SSEZ vì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, cũng như lợi thế gần cảng biển nước sâu và sân bay của thành phố.
"Vị trí này thuận tiện cho chúng tôi nhập và xuất khẩu hàng hóa", ông nói, nhấn mạnh rằng cộng đồng địa phương cũng được lợi khi làm việc trong nhà máy. "Hai năm trước, chỉ 11 nhân viên trong công ty có xe hơi. Bây giờ, hơn 110 nhân viên đã có. Làm việc ở đây, nhiều lao động cảm nhận rõ ràng đời sống nâng cao".
Tiền chảy sang Phnom Penh
Sihanoukville vẫn là điểm thu hút đầu tư hàng đầu của Trung Quốc tại Campuchia, nhưng dòng tiền bắt đầu chảy sang Phnom Penh, sau khi Bắc Kinh cam kết đầu tư hàng tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng tại thủ đô Campuchia.
Cách đây không lâu, Phnom Penh vẫn là một thành phố thấp tầng nhưng các công trình xây dựng Trung Quốc mọc lên như nấm đang làm thay đổi cảnh quan thành phố. Giá bất động sản cũng theo đó tăng vọt, theo chủ tịch Hiệp hội bất động sản Campuchia Kim Heang.
"Ở một số khu vực, giá đất tăng từ hai tới 5 lần trong vòng một năm. Những chủ đất đó hưởng lợi từ các nhà đầu tư Trung Quốc nên họ rất vui vẻ", ông nói.
Không chỉ cam kết đầu tư cho Campuchia, khi Mỹ và Liên minh châu Âu đe dọa trừng phạt Campuchia vì Phnom Penh bắt lãnh đạo phe đối lập và giải tán đảng của ông này năm ngoái, Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ đồng minh theo đuổi con đường riêng.
Ngành truyền thông cũng nắm bắt nhanh cơ hội do sáng kiến Vành đai, Con đường tạo ra. Một ví dụ điển hình là Fresh News, trang tin tức trực tuyến gần đây đã phát hành thêm phiên bản tiếng Trung.
Lim Chea Vutha, đồng sáng lập nền tảng, cho biết trang tin tức trực tuyến này hiện có 2,5 triệu người theo dõi, bao gồm các quan chức chính phủ Trung Quốc, người Trung Quốc sống tại Campuchia và các doanh nhân. Trang tin quảng bá các chính sách và đầu tư của Trung Quốc.
"Tôi ủng hộ sáng kiến Vành đai, Con đường bởi nó cải thiện mối quan hiệu giữa siêu cường Trung Quốc và các quốc gia châu Á cũng như thế giới. Nó mở rộng thương mại, khiến Campuchia phát triển hơn", ông Lim đánh giá.
"Là một công dân Campuchia, tôi ủng hộ Trung Quốc đầu tư vào Campuchia. Họ không phải đang tìm cách hủy diệt Campuchia".