Hôm qua tôi đi ăn với nhóm bạn. Các cô bạn hay thích tìm hiểu và bàn tán về những gì họ chưa trải nghiệm. Người trải nghiệm rồi cũng tự cho là cuộc sống bản thân đang tệ. Ấy là tôi muốn nói đến chuyện phim ảnh có thể gây "ám thị" cho người xem.
Nhóm bạn của tôi bàn tán rôm rả về những bộ phim mà họ đã và đang xem. Nhóm bạn chưa kết hôn thì bảo: "Xem phim riết không muốn lấy chồng nữa". Nhóm đã kết hôn rồi thì bỗng dưng tô đậm cho hoàn cảnh của mình, rồi suy diễn lung tung.
Phải thừa nhận một điều, những bộ phim mang tính drama gia đình thường thu hút nhiều người xem. Nhưng việc lặp đi lặp lại những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, vợ chồng ngoại tình, hay những bất hòa trong gia đình... trong phim Việt liệu có tạo nên một bức tranh méo mó về thực tế hôn nhân, về tình cảm gia đình hay không?
Những hình ảnh ghen tuông, mâu thuẫn, hay thậm chí là bạo lực gia đình được khai thác một cách quá đà, cường điệu, khiến người xem như các bạn và ngay chính tôi cũng có cái nhìn tiêu cực và đầy lo âu về cuộc sống hôn nhân.
Tôi nhớ những bộ phim xưa, gia đình luôn hiện lên như là một chỗ dựa cho con người. Nói đến điều này, có thể nhắc đến bộ phim "Mẹ con đậu đũa". Lúc còn nhỏ, khi xem phim này, tôi đã cảm động và khóc sướt mướt vì tình cảm của ông bố đơn thân (Công Ninh thủ vai) đối diện với hoàn cảnh gà trống nuôi đứa con gái bé bỏng "Đậu đũa".
Hay như phim Con nhà nghèo, dựng từ tiểu thuyết cùng tên của Hồ Biểu Chánh. Cốt truyện xuất phát từ một bi kịch, Lựu mang thai nhưng bị hội đồng Nghĩa rũ bỏ trách nhiệm, đã xuất hiện một anh chàng tá điền đứng ra che chở, cưu mang. Vợ chồng họ cùng nhau vượt qua gian khó, nuôi con ăn học thành tài... Những bộ phim khác cũng ít nhiều mang thông điệp sâu sắc về tình yêu, gia đình.
Còn phim Việt bây giờ, nhân vật nào cũng làm ông này, bà nọ, cuộc sống giàu sang, ở biệt thự, đi xe sang nhưng gia đình thì đầy rẫy mâu thuận.
Xây dựng theo một công thức chung này khiến nhiều bộ phim thiếu đi sự sáng tạo và tính chân thực.
Điển hình cho lối khai thác drama gia đình là một bộ phim xoay quanh mối quan hệ đầy mâu thuẫn và căng thẳng giữa một cô dâu trẻ hiện đại và bà mẹ chồng khó tính, cổ hủ. Hình ảnh mẹ chồng liên tục chì chiết, xen vào chuyện vợ chồng của con trai khiến người xem cảm thấy ngột ngạt và mất niềm tin vào những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Phim nào cũng có tình tiết ngoại tình cũng đẩy đi thông điệp tiêu cực về hôn nhân.
Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng cần có sự thay đổi trong cách sản xuất phim Việt Nam. Thay vì tập trung vào những drama gia đình cũ kỹ, lặp đi lặp lại, các nhà làm phim nên hướng đến những đề tài đa dạng hơn, phản ánh thực tế cuộc sống một cách chân thực và nhẹ nhàng.
Một bộ phim, một tác phẩm điện ảnh chất lượng phải mang đến cho khán giả những thông điệp tích cực về tình yêu và cuộc sống. Chúng ta đâu thiếu những chất liệu để làm nên những bộ phim hay và ý nghĩa.
Mạnh Tường