Thiên Long Bát Bộ 2021 của đạo diễn Vu Vinh Quang thu hút chú ý khi mới ra mắt nhưng sau đó không còn sức nóng, ít được quan tâm. Tác phẩm không tránh khỏi "vết xe đổ" của loạt phim chuyển thể tiểu thuyết Kim Dung 10 năm qua. Dù vậy, trong danh sách chờ phát sóng, vẫn còn hàng loạt tác phẩm, như Thần điêu đại hiệp (Đồng Mộng Thực, Mao Hiểu Tuệ đóng chính), Phi hồ ngoại truyện (Tần Tuấn Kiệt, Lương Khiết đóng chính), hai phim điện ảnh Ỷ Thiên Đồ Long Ký 2022 của đạo diễn Vương Tinh...
Bất kể bị chê bai nhiều, các tác phẩm mới chuyển thể tiểu thuyết Kim Dung vẫn tràn lan. Sự ngán ngẩm của khán giả tỷ lệ thuận với số lượng sản phẩm được thực hiện. Điều này cho thấy cái tên Kim Dung vẫn có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực phim truyền hình Hoa ngữ.
Theo tờ Văn Hội Báo, những năm gần đây, cách dựng phim võ hiệp có điểm chung là: Êkíp dùng hai chữ "Kim Dung" để tạo sự chú ý, bình luận của khán giả, sau đó thêm thắt các chiêu trò khác để gây bàn tán, tranh cãi. Chẳng hạn, Tiếu ngạo giang hồ 2013 thêm tình tiết Đông Phương Bất Bại yêu Lệnh Hồ Xung. Phim Lộc Đỉnh Ký 2020 biến Vi Tiểu Bảo thành gã hề với đủ biểu cảm hài hước, khiến phim như video tấu hài trên TikTok... Những sản phẩm này mang vỏ bọc "phim Kim Dung" nhưng thực chất là những câu chuyện ngôn tình của trai xinh gái đẹp. Cách biên kịch thiếu hợp tình hợp lý khiến các tác phẩm trở nên nhạt vị.
Điều thú vị, từ đầu thế kỷ 21 đến nay, mỗi phim Kim Dung đều bị khán giả chê bai khi mới ra mắt. Nhưng khi có phiên bản mới, bản bị chê bai trước đây lại được đánh giá cao hơn. Ví dụ, ở Thiên Long Bát Bộ 2013, nhân vật Kiều Phong (Chung Hán Lương đóng) bị chê cười vì xuất hiện với chiếc ván trượt. Nhưng khi có Thiên Long Bát Bộ 2021, không ít khán giả nói bản của Chung Hán Lương "tạm chấp nhận được". Hoặc sau Lộc Đỉnh Ký 2020, bản của Huỳnh Hiểu Minh (2008) cũng được nhiều người khen hơn. Ngoài ra, khi Ỷ Thiên Đồ Long Ký phát sóng năm 2019, một bộ phận khán giả thừa nhận trước đây "đánh giá quá thấp" bản Đặng Siêu đóng chính năm 2009.
Các phim kiếm hiệp do Trương Kỷ Trung sản xuất từng gây tranh cãi khi mới ra mắt. Song đến nay, phần đông khán giả đánh giá tích cực. Kiều Phong do Hồ Quân đóng và Vương Ngữ Yên của Lưu Diệc Phi (Thiên Long Bát Bộ 2003) đến nay có vị trí cao trong lòng người xem, không kém vị trí của Huỳnh Nhật Hoa hay Lý Nhược Đồng ở phiên bản 1997. Tiếu ngạo giang hồ (2001) do Lý Á Bằng đóng chính từng bị nhiều người chê bai song đến nay được yêu thích không kém phiên bản của TVB năm 1996.
Hiện tượng trên phần nào cho thấy sự bất mãn của một bộ phận khán giả với các bản chuyển thể mới, mặt khác như một gợi ý, mở lối phát triển cho dòng phim kiếm hiệp. Sự yêu thích của người xem với các tác phẩm do Trương Kỷ Trung sản xuất đồng nghĩa khán giả ngày càng hiểu và đón nhận cách cải biên của Trương Kỷ Trung. Điều này cho thấy dòng phim chuyển thể tiểu thuyết kiếm hiệp vẫn còn không gian để sáng tạo, đổi mới.
Trước đây, nhiều phim điện ảnh thành công khi vừa sáng tạo nội dung vừa giữ được vị võ hiệp, như Đông Tà Tây Độc của Vương Gia Vệ hay Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại của Từ Khắc. Những tác phẩm này lấy cảm hứng nhân vật trong truyện, xây dựng câu chuyện mới mẻ, phong cách nghệ thuật độc đáo.
Vũ trụ nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung đa dạng, đặc sắc. Cuộc đời nhiều nhân vật phụ đều có thể phát triển thành câu chuyện độc lập, thậm chí không bị giới hạn bởi từ "võ hiệp". Tinh thần hiệp nghĩa không nhất thiết chỉ có thể thể hiện qua việc đánh đấm. Những tưởng tượng mới về truyện Kim Dung có thể vượt qua giới hạn của thế giới võ lâm, giang hồ. Điều này phụ thuộc sự dũng cảm chấp nhận thử thách, đổi mới của người làm phim.
Nghinh Xuân (theo Văn Hội Báo)