Tác phẩm chuyển thể tiểu tuyết Kim Dung tạo cơn sốt khi ra mắt cách đây 20 năm, gắn liền tên tuổi Lý Á Bằng, Hứa Tình. Phim bấm máy hồi tháng 3/2000 tại Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, sau đó ghi hình tại các ngọn núi ở tỉnh Chiết Giang, An Huy...
Trong hơn năm tháng quay phim, diễn viên chính Hứa Tình (vai Nhậm Doanh Doanh) từng phát khóc vì áp lực. Khi đóng cảnh cứu Lệnh Hồ Xung (Lý Á Bằng) trong rừng trúc, cô được yêu cầu vừa đu trên không vừa ôm cây đàn bay quay bay lại. Khi va chạm với đồng nghiệp, cây đàn đập vào mặt nữ diễn viên. Tới lần thứ ba, vì mệt và đau, cô bật khóc. Sau đó, nữ diễn viên vẫn tự thể hiện nhiều cảnh đu trên không vì lo ngại lạm dụng đóng thế, ảnh hưởng chất lượng phim.
Hứa Tình còn "dở khóc dở cười" vì lúc ở trường quay, một số tờ báo tung tin cô bí mật về Bắc Kinh tổ chức đám cưới. Đạo diễn đùa: "Cô trốn đi lúc nào tôi không hay, còn không mời chúng tôi ăn kẹo". Khi tác phẩm hoàn thành, cô nói trên Sina: "Phim quay xong, mọi người giải tán. Sự căng thẳng mệt mỏi, những lần trêu đùa vẫn sống trong ký ức của tôi. Tôi biết, mình đã tham gia một công việc có ý nghĩa".
Nam chính Lý Á Bằng cũng trầy trật trên trường quay. Mỗi ngày, anh làm việc từ 6h tới rạng sáng hôm sau. Giai đoạn đầu, có lúc anh không cầm cự được vì lần đầu đóng phim võ thuật, cường độ làm việc cao. Dần dần, anh thích nghi hơn và tận hưởng không khí phim trường, cảm thấy bản thân lạc vào thế giới cổ đại. Anh không xem tivi, không đọc báo, như hoàn toàn "mất liên lạc" với thế giới.
Lý Á Bằng vốn không được chọn đóng Lệnh Hồ Xung, người đầu tiên đảm nhiệm vai này là Thiệu Binh. Theo Southern Metropolis Daily, tới trường quay được khoảng 10 ngày, Thiệu Binh bị loại khỏi đoàn phim. Nhà sản xuất Trương Kỷ Trung cho biết Thiệu Binh không chuyên tâm đóng phim, hay nghỉ giữa chừng để gọi điện thoại, mỗi lần nói chuyện nửa tiếng. Vì vậy, đoàn phim phải quy định diễn viên không gọi điện thoại khi làm việc. Tuy nhiên Thiệu Binh bất hợp tác, Lý Á Bằng được chọn thay thế.
Đôi diễn viên chính được khán giả khen đẹp đôi, một số diễn viên phụ cũng thành điểm sáng của tác phẩm nhờ nỗ lực vì vai diễn, trong đó có Trần Lệ Phong - đóng ni cô Nghi Lâm. Bấy giờ, ở độ ngoài đôi mươi, cô chấp nhận cạo trọc đầu. Không ít cộng sự ái ngại thay Trần Lệ Phong, sợ cô sẽ buồn, khóc vì tiếc mái tóc. Nhưng ngược lại, Trần Lệ Phong cười ha ha, cô nói: "Không có tóc, đường nét gương mặt em càng rõ, càng đẹp".
Tiếu ngạo giang hồ là phim chuyển thể truyện Kim Dung đầu tiên được Trung Quốc đại lục sản xuất, vì thế nhà văn chỉ nhận phí bản quyền tượng trưng là một nhân dân tệ (3.500 đồng). Trên Sina hồi tháng 5/2001, nhà văn nhận định đoàn phim dày công thực hiện, dồn tâm huyết cho bối cảnh, đạo cụ lẫn cảnh võ thuật, vì thế hiệu ứng hình ảnh ấn tượng hơn so với các tác phẩm trước đó.
Tuy nhiên tư tưởng nghệ thuật của đoàn phim và nhà văn khác nhau. Ông nói: "Họ cho rằng không nên để Lệnh Hồ Xung xuất hiện muộn trong phim, sợ phim kém hấp dẫn. Tôi không nghĩ vậy. CCTV từng quay Tam Quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng lúc nào mới có mặt? Tống Giang trong Thủy Hử cũng xuất hiện muộn. Trong Cuốn theo chiều gió, chẳng phải vai của Clark Gable cũng mãi về sau mới có cảnh quay?". Nhà văn cho biết ban đầu hơi tức giận vì nhà đài không giữ thỏa thuận giữ nguyên tình tiết truyện, nhưng do trở thành bạn với nhà sản xuất, ông không "mắng" đoàn phim.
Nghinh Xuân