Tôi xin góp vài ý kiến nhỏ về chuyện tranh cãi hơn kém giữa võ truyền thống và MMA vốn đang sôi động trên diễn đàn thời gian qua nhằm giúp chúng ta có cái nhìn bao quát hơn.
Theo tôi, về bản chất võ thuật lấy tính chiến đấu làm nền tảng. Thiếu tính chất này võ thuật không còn đúng ý nghĩa. Có thể giúp nâng cao sức khỏe, thể trạng nhưng trên hết phải có khả năng triệt hạ đối thủ. Đó mới là mục tiêu cao nhất của các trường phái võ.
Cái gọi là võ đạo thực ra là kiểm soát phương cách và mức độ triệt hạ đối thủ, khi không thật sự cần thì không dùng đến võ. Nhưng tôn chỉ cao nhất vẫn là đánh bại đối thủ một cách vô điều kiện. Lưu ý là phải vô điều kiện, không phải xét đến cân nặng, chiều cao, sải tay, tuổi tác...
Hạn chế lớn nhất của các môn phái võ nói chung và võ truyền thống nói riêng, là tính thực chiến, đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại. Ngày xưa khi luật pháp chưa phủ khắp, đời sống đơn giản, tiếp xúc thiên nhiên nhiều; võ thuật giúp con người có khả năng phòng vệ hiệu quả. Các môn sinh mỗi khi được học chiêu thức mới nào đều có cơ hội áp dụng ngoài đời. Kể cả các tuyệt chiêu của các môn phái, vốn chỉ sử dụng trong trường hợp bất khả kháng, nhằm triệt tiêu đối thủ hiệu quả nhất và bất ngờ nhất. Các tuyệt chiêu thường chỉ được sư phụ truyền cho đệ tử chân truyền, vừa tài vừa đức.
Các chiêu thức thông thường và các tuyệt chiêu được rèn luyện với mục đích có khả năng sử dụng ngoài đời thực. Hầu hết các môn phái đều xây dựng căn bản trên đòn thế tay chân, sau đó mới phát triển phần dùng binh khí (đao, thương, côn, kiếm...).
>>'Võ truyền thống nhằm rèn luyện sức khỏe chứ không phải để đánh nhau'
Trải qua các giai đoạn phát triển của lịch sử các nước, thông qua các cuộc chiến tranh hay tranh chấp cá nhân, võ thuật được đem ra sử dụng dễ dàng, ít bị chế tài bởi luật pháp. Nhờ vậy tính thực chiến được nâng cao thường xuyên. Nhìn xa hơn, giới cao bồi nước Mỹ từng nổi tiếng với các cuộc đấu súng mà thường kết thúc bằng cái chết của một trong hai đấu thủ. Tính thực chiến thời xa xưa giúp võ thuật nói chung phát triển.
Trong xã hội hiện đại, luật pháp luôn đặt lên trên hết. Tính mạng con người được đảm bảo tối đa. Mọi hành động của công dân luôn phải tuân thủ những quy ước chung của xã hội. Ngay cả việc xúc phạm thân thể cũng đều bị phán xét bằng luật pháp. Trong bối cảnh đó, các trường phái võ thuật dần mai một là điều tất yếu, hiển nhiên, theo quy luật khách quan.
Mọi chiêu thức giờ chủ yếu dùng tập luyện trên võ đường, và đối tượng là môn sinh cùng phái, vốn đã quá hiểu nhau. Các tuyệt chiêu cũng không còn đất sử dụng, bởi không thể tự do tung ra các đòn hiểm trong trường hợp bất khả kháng. Chiêu thức mà chỉ học lý thuyết và tập "chay" trên võ đường, không có thực hành trong thực tế, thì dù phái võ đó có ưu việt đến đâu cũng sẽ dần thoái trào.
Các cao đồ học tuyệt chiêu, vừa không có chỗ sử dụng, vừa phải tâm niệm không thể dùng trong thực tế thì tuyệt chiêu đó cũng chẳng còn chỗ phát huy. Ngày nay nước Mỹ cũng chẳng thể tìm ra hình ảnh người cao bồi rút súng nhanh như chớp, với khả năng bắn chính xác và bản lĩnh lạnh lùng, vì hết đất diễn.
Phái Võ Đang nổi danh với kiếm pháp Thái cực, nhưng đó là ngày xưa khi có thể dùng kiếm đâm chém người; còn ngày nay ta chỉ cầm dao ra đường là đã gặp phiền phức rồi. Mọi môn học khác đều tương tự, chỉ có lý thuyết mà không có thực hành, có thực hành mà không có thực tế; thì cũng hết sức hạn chế. Thử tưởng tượng cầu thủ bóng đá luyện tập hàng ngày chỉ để thi đấu với nhau trong cùng đội, không có dịp cọ xát bên ngoài thì tài năng cách mấy cũng dần mai một.
Và cái thiếu lớn nhất, là kinh nghiệm. Các bạn thử đăng ký đi học một môn võ nào đó xem. Chúng ta được chia vào cấp đai phù hợp, học các bài quyền, sau đó phân thế bài quyền để đối kháng, thực tập với võ sinh cùng phái, đến dịp thi lên đai theo nội dung quy định. Cứ thế, song đụng chuyện ngoài đời chưa chắc đã có khả năng tự vệ. Có thể giúp ta tự tin hơn, khỏe mạnh hơn, linh hoạt hơn mà thôi. Cái khó cho võ thuật bây giờ là ở chỗ kinh nghiệm thực chiến. Ta thường gọi là "không có đất dụng võ".
>> Lấy sở đoản đấu với sở trường của MMA, võ truyền thống thua là tất nhiên
Vấn đề tiếp theo là, võ thuật vẫn có thể đem ra thực chiến bên ngoài trên võ đài của các giải đấu, thay cho chiến đấu ngoài đời thực. Xin thưa là, lên võ đài là bị cả mớ hạn chế từ luật lệ, từ hạng cân, kích thước, đến phạm vi đòn được sử dụng, phạm vi cơ thể cho phép đánh trúng...
Tôi từng xem qua các trận đấu võ đài của Taekwondo, Karate và nhiều môn khác. Ví dụ các võ sĩ Taekwondo xáp vào nhau, co chân lên đạp, trong khi hai tay thả lỏng hai bên người, thỉnh thoảng mới vung lên vỗ vào đối thủ theo quy định, nhìn thật không giống chiến đấu võ thuật chỗ nào cả. Đó chỉ là võ thuật đấu đài, không còn là võ thuật thực sự. Võ thuật thật sự không có bất kỳ hạn chế nào, từ phạm vi đòn thế, phạm vi đánh trên cơ thể con người, hạng cân, kích thước, già trẻ lớn bé...
Mọi hạn chế có chăng chỉ xuất phát từ võ đạo, tức đạo đức của người rèn võ, từ đó họ đặt ra những hạn chế về phương tiện và mục tiêu khi bắt buộc phải dùng đến võ. Như vậy, dù có thượng đài, các môn phái võ thuật hiện nay cũng mai một dần tính chiến đấu thực sự. Ta có thể kết luận rằng, trong bối cảnh xã hội hiện đại, võ thuật là một trong những bộ môn bị ảnh hưởng lớn nhất trong số các bộ môn con người sáng tạo ra.
Chính vì không còn tính thực chiến nên võ thuật truyền thống phải dần chuyển hóa sang các mục tiêu phụ trợ như nâng cao sức khỏe, rèn luyện tâm tính bản lĩnh, khả năng tự vệ. Ở những lĩnh vực này, võ thuật không còn là chính mình. Ngay cả MMA vốn được xem là võ tự do, tổng hợp từ đòn thế các môn phái khác, với mục tiêu cũng không gì khác ngoài triệt hạ đối thủ, nhưng cũng phải bị ràng buộc bởi luật lệ khi lên đài. Có rất nhiều phạm vi cơ thể không được phép tấn công.
Chúng ta từng xem những cuộc vật lộn kéo dài trên sàn UFC, đối thủ ở trên cứ mãi tìm cách thoát ra khỏi thế khóa tay và cố dùng nắm đấm hay khuỷu tay để tấn công mặt đối thủ nằm dưới, rất hạn chế. Nếu chiến đấu ngoài đời thực thì mọi đòn thế sẽ được dùng, dù tấn công vào hạ bộ, vào mạng sườn, vào gáy, cổ, bất kỳ nơi nào để triệt hạ đối thủ, bao gồm cả ... dùng viên đá hay gậy sắt gần đó phang vào đầu đối phương như hay thấy trong phim ảnh.
Cuộc chiến giữa hai nhân vật Lã Cương và Từ Hiểu Đông nếu xảy ra ngày xưa, khó mà nói ai thắng ai. Người nhỏ mà võ cao cường, di chuyển linh hoạt, chờ thời cơ và ra đòn hiểm thì đối thủ to cao vẫn bị thúc thủ là chuyện bình thường. Đó là chưa kể khi thấy không chống nổi thì ... dùng hư chiêu rồi co giò bỏ chạy. Mấy chuyện này không thể xảy ra trên võ đài.
Một yếu tố khác, là tính phân tâm của người luyện võ. Ngày xưa người luyện võ chỉ chuyên chú vào việc luyện tập, ít bị xao lãng. Quan hệ thầy trò rất khăng khít. Ngày nay, dưới tác động của công nghệ, con người bị tác động bởi quá nhiều thứ. Người luyện võ không còn khả năng tập trung chuyên nhất vào việc rèn luyện. Cộng thêm nhu cầu đời sống ngày càng căng thẳng, việc luyện võ trở thành thứ yếu. Như vậy, sự mai một dần sự ưu việt của các trường phái võ thuật là điều tất yếu.
Ngay như trụ trì Thiếu lâm tự và sư hộ pháp ở Trung quốc ngày nay cũng có vẻ "tự do phóng khoáng", khác hẳn ngày xưa.
Một vấn nạn lớn nữa là ảo tưởng của chúng ta về hình thái chiến đấu của võ thuật, qua các bộ truyện kiếm hiệp và phim ảnh. Những đòn đánh đẹp mắt; những màn bay nhảy, thi triển khinh công, những trận đánh trời long đất lở trong phim kiếm hiệp khiến tất cả người xem hình thành thế giới ảo tưởng về võ thuật. Hầu hết người xem không có nhiều kiến thức về võ thuật, nay chứng kiến các cảnh ngoạn mục như thế, thì chuyện ảo tưởng không có gì lạ. Khi chứng kiến trận đánh thực ngoài đời, chúng ta cảm thấy hụt hẫng do khoảng cách mênh mông giữa ảo tưởng và thực tế. Bản thân võ thuật không hề có lỗi, mà do ảo tưởng của người xem về thế giới võ thuật.
Không những phim kiếm hiệp gây ra ảo tưởng, mà cả phim ảnh phương Tây trong thể loại hành động cũng y hệt. Chắc hẳn chúng ta ai cũng từng xem series phim Người vận chuyển (Transporter), các phim của Steven Seagal, rồi series phim Điệp vụ bất khả (Impossible mission với Tom Cruise thủ vai)... Những màn đánh đấm bay nhảy hay đấu súng trong phim chắc chắn không bao giờ tồn tại ngoài đời thực. Cho nên cũng không nên chỉ quy tội cho phim kiếm hiệp, bởi phim hành động phương Tây cũng góp phần lớn vào ảo tưởng của người xem về thực chất của võ thuật.
>> Từ Hiểu Đông cho thấy sự thật phũ phàng của võ cổ truyền
Tuy nhiên theo tôi trong lĩnh vực này, phim ảnh, cũng như tiểu thuyết, phải tìm cách thu hút người xem, đồng thời có thể hư cấu nhằm mục đích thể hiện ước vọng của con người muốn đạt đến cái hay, cái đẹp. Chỉ cần khi xem, ta đừng hòa mình vào sự hư cấu của tác phẩm và đem nó ra áp dụng trong đời thực. Khi sáng lập ra Triệt quyền đạo trên căn bản Vịnh xuân và vài môn võ khác, triết lý của Lý Tiểu Long là làm sao triệt hạ đối thủ trong thời gian nhanh nhất, dùng ít đòn nhất. Vì vậy đòn thế Tiệt quyền đạo không hoa mỹ, đơn giản, chú trọng vào xuất lực trong thời gian ngắn.
Nhưng khi làm phim, họ Lý cũng phải tạo ra các pha chiến đấu kéo dài, nhằm thu hút khán giả. Chứ chỉ đấm một đòn là đối thủ ngã lăn ra bất tỉnh đúng như tiêu chí của Tiệt quyền đạo thì chắc chẳng còn ai bỏ tiền ra mua vé vào xem phim cả, vì "không thấy đã". Trên thực tế, những ai từng xem các trận đấu của UFC (tức MMA) đều biết rằng rất nhiều trường hợp chỉ cần trúng một đòn đấm của đối thủ là võ sĩ có thể ngã xuống sàn và không thể kiểm soát được tình huống tiếp theo dẫn đến thua cuộc. Đó mới chính là thực tế. Dĩ nhiên, một vấn đề khác đặt ra là tại sao MMA dễ dàng thắng các võ sư võ truyền thống như thời gian qua. Trong khi Từ Hiểu Đông chưa phải là một ngôi sao võ thuật. Trước hết phải thấy rõ, những trường hợp thi đấu này chưa đủ thể hiện bản chất giữa hai truyền thống võ này.
Nếu chỉ dựa vào đó mà nhanh chóng đi đến kết luận thì e rằng sẽ phiến diện. Tuy nhiên, theo tôi, MMA chiếm lợi thế hơn nhiều, bởi MMA là môn võ được tạo ra để "đánh nhau trên võ đài, tự do trong luật lệ" trong xã hội hiện đại. Còn võ truyền thống được tạo ra để chiến đấu ngoài đời thực, triệt hạ đối thủ, có từ xa xưa. MMA có đất diễn, ngày càng thêm kinh nghiệm thực chiến trên võ đài; còn võ truyền thống ngày càng không có "đất dụng võ".
Vì vậy, MMA sẽ tiếp tục phát triển, còn võ truyền thống ngày càng mai một là điều dễ thấy. Có người sẽ hỏi, vậy tại sao Võ truyền thống không chuyên vào tập luyện để đấu đài. Dĩ nhiên là được, và thực tế đang diễn ra như thế, song như tôi đã nói ngay từ đầu, đó không phải là lý do ngày xưa Võ truyền thống ra đời. Bản chất của Võ truyền thống chỉ để chiến đấu. Giờ không còn có thể chiến đấu thực, Võ truyền thống trở thành hạn chế nhiều. Khó so với MMA vốn được tạo ra để thi đấu trên đài.
Có thể theo thời gian Võ truyền thống tự chuyển biến, đúc rút tinh hoa của võ phái thành kỹ năng chiến đấu trên đài, khi đó cuộc chiến MMA - Võ truyền thống có thể thay đổi. Cuối cùng, tôi cũng muốn nhắc chúng ta rằng, Từ Hiểu Đông và các đối thủ của anh ta chỉ là phần nhỏ của võ thuật toàn cầu. Câu chuyện của Từ hay của võ sĩ Flores sang Việt nam thách đấu không nên được dùng để nhận xét đánh giá về hình ảnh chung của võ thuật. Chúng ta vừa thiếu thông tin, hiểu biết; vừa chưa đủ dữ liệu để kết luận. Vì vậy chỉ nên ghi nhận thay vì sớm kết luận.
Thêm lời nhắn cho các bạn cảm thấy chán nản không còn muốn xem phim kiếm hiệp: phim ảnh và đời thực luôn có khoảng cách, không có nghĩa ta không thưởng thức phim ảnh được. Nhiều bộ phim đời sống xã hội khắc họa nhiều nhân vật, tính cách, cuộc sống mà khó tìm thấy ngoài đời, không có nghĩa là phim vô lý. Đó chỉ thể hiện ước mơ, khát vọng của con người về những gì tốt đẹp hơn mà thôi. Ta cứ thưởng thức, và hiểu rằng phim ảnh và đời thực luôn có sự khác biệt. Phim mà không khác biệt, có lẽ chỉ có phim tài liệu.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.