Trong khi hầu hết phim điện ảnh thường quay trong một tháng, phim mới của Lương Đình Dũng mất gần 80 ngày. Đạo diễn chia sẻ: "Thời gian quay bị đội lên gấp đôi bởi tôi quá kỹ tính trong công việc. Tôi luôn yêu cầu các diễn viên cũng như quay phim phải làm đi làm lại đến khi ưng ý mới thôi. Trong khi đó, dàn diễn viên hầu hết là dân nghiệp dư, lại đa phần là trẻ con nên việc ghi hình gặp không ít khó khăn. Tôi thà làm như vậy còn hơn là dùng một cảnh quay 'non tay'", anh nói.
Mỗi khi xong một cảnh, Lương Đình Dũng thường hỏi ý kiến thành viên đoàn giống như một cách kiểm tra. Nếu nhận câu trả lời "Được", anh sẽ yêu cầu làm lại đến khi nào nghe thấy phản hồi "Tốt" mới chịu dừng.
*Hậu trường phim 'Cha cõng con'
Đạo diễn nói thêm để có được cảnh cậu bé chạy trên triền cỏ xanh, giữa ánh sáng vàng ruộm, hoa may phất phơ trong gió, anh đã thuê người chăm sóc riêng cho cây cối. Mỗi ngày, êkíp chỉ có 15 phút để quay bởi đó là thời điểm ánh sáng tốt nhất. Riêng cảnh này, nhóm của Lương Đình Dũng phải mất mấy ngày mới có sản phẩm ưng ý.
Êkíp cũng phải liên tục di chuyển giữa các địa điểm gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Nội, Sài Gòn. Khi các cảnh quay đã hoàn thành, về đến phòng dựng, đạo diễn xem lại thấy vẫn chưa thực sự hài lòng về vẻ đẹp của thiên nhiên. Anh lại bắt cả êkíp đi từ Hà Nội lên Hà Giang quay thêm ba lần nữa. NSND kiêm nhà quay phim nổi tiếng Lý Thái Dũng nhiều lần phải lắc đầu trước sự khắt khe của đạo diễn.
Về trang phục, đạo diễn yêu cầu nhóm thiết kế lựa chọn tỉ mỉ từ mẫu vải, chất liệu đến mẫu may. Riêng việc thiết kế thắt lưng của chú Mù trong phim, nhóm phải mang về rất nhiều phiên bản để đạo diễn chọn lựa. Từng chiếc áo mưa cũng phải có màu đúng ý của Lương Đình Dũng.
Cha cõng con không có quá nhiều nhân vật nhưng để thực hiện phim, Lương Đình Dũng phải nhờ sự trợ giúp của khoảng 100 người. Khi quay phim tại một hợp tác xã ở Bắc Mê (Hà Giang), đạo diễn phải thuê người đóng hai chiếc thuyền sắt cỡ lớn để vận chuyển đoàn đi lại trên sông.
"Suốt một tháng, ngày nào đoàn cũng mất 30 - 45 phút để leo lên đỉnh đồi Minh Ngọc ở độ cao 200 mét. Lúc xuống đồi, chúng tôi gặp khá nhiều nguy hiểm vì phải đi qua con suối. Buổi sáng, suối có thể cao đến đầu gối nhưng đêm về, nước đã ngập đến cổ. Bên sản xuất phải kéo dây điện từ chân lên đỉnh đồi để soi đường và chăng dây cáp qua suối. Mọi người cũng phải tháo rời các thiết bị điện rồi mới đưa được lên đỉnh đồi và lắp ghép. Trong lúc quay, chúng tôi liên tục gặp mưa, bão lớn. Mỗi lúc có mưa và sấm sét, anh em đều bảo nhau bỏ bộ đàm và điện thoại thật xa để tránh tai nạn. Cảnh mưa lũ trong phim đều quay thật đến 90%", đạo diễn cho biết.
Êkíp của Lương Đình Dũng từng hai lần bị hỏng flycam khi cho thiết bị bay trên không trung trong ngày gió bão.
Khâu xử lý hậu kỳ cho bộ phim cũng khiến Lương Đình Dũng mất tới hơn một năm. Anh mang Cha và con sang Hàn Quốc để nhờ nhạc sĩ nổi tiếng Lee Dong-jun (còn gọi là Lee Dong-june) hoàn tất phần âm thanh. Lee Dong-jun đứng sau phần nhạc phim của nhiều tác phẩm nổi tiếng như Shiri (1999), 2009 Lost Memories (2001), Taegukgi - Cờ bay phấp phới (2004), Miracle on Cell No. 7 - Điều kỳ diệu phòng giam số 7 (2013), Operation Chromite (2016)... Khâu xử lý âm thanh mất khoảng hai tháng.
Sau khi tham dự và được trình chiếu ở nhiều liên hoan phim quốc tế, Cha cõng con sẽ ra rạp tại Việt Nam vào 5/4.
Nhạc sĩ Lee Dong-jun đã nhận lời mời của êkíp sản xuất sang tham dự buổi ra mắt phim tại Hà Nội và TP HCM. Lee Dong-jun hy vọng nhạc phim góp phần làm nên thành công cho tác phẩm của Lương Đình Dũng. Ông cũng hồi hộp về phản ứng của khán giả Việt Nam với bộ phim này.