Bộ phim kể về Philomena Lee vào những năm tháng cuối đời, có một cuộc sống yên ổn và bình lặng nhưng vẫn không thôi ám ảnh về quãng đời tuổi trẻ và người con trai thất lạc năm nào.
Từ một cuộc chia ly…
Đó là khi bà chỉ là cô bé thơ ngây vừa tròn 16 tuổi, phải lòng một chàng trai lạ trong khu chợ và mang về một hình hài bé nhỏ trong mình.
Xã hội Ireland lúc bấy giờ không chấp nhận điều đó. Nhà thờ Thiên Chúa giáo cũng không dang rộng cánh tay với những thiếu nữ trẻ “hư hỏng” như Philomena. Buông thả bản thân trong một phút cám dỗ bởi nhục cảm xác thịt là tội ác khủng khiếp, không thể tha thứ lúc bấy giờ. Philomena đã mắc vào tội lỗi ấy và phải chịu sự trừng phạt khắc nghiệt của nhà thờ.
Rất nhiều bà mẹ trẻ không chịu được sức ép tinh thần từ những định kiến xã hội, đã bỏ cuộc ngay trên bàn đẻ khi chưa kịp nhìn thấy con mình chào đời. Philomena may mắn hơn, bà và con trai đã được gặp nhau, kịp có một quãng đời ngắn ngủi đẹp đẽ nhìn thấy nhau khôn lớn, trưởng thành.
Quãng thời gian ấy kéo dài không lâu cho đến khi Anthony - con trai của Philomena - được một gia đình người Mỹ tới nhận nuôi và đưa đi. Sau chấn song sắt của tu viện, Philomena gào thét tuyệt vọng khi nhìn thấy đôi mắt ngơ ngác của con mình lùi xa mãi. Đó cũng là lần cuối cùng bà được nhìn thấy Anthony - món quà vô giá bà đã đánh đổi mọi thứ trên đời để có được.
Khởi sự trên câu chuyện “buộc lòng phải viết ra” ấy, Philomena và một phóng viên thất nghiệp, nuôi ý định trở thành nhà văn đã gặp nhau. Họ cùng nhau đi hết một hành trình, để tìm thấy những điều ý nghĩa hơn bất cứ sự thật nào trên đời, đằng sau câu chuyện đẫm nước mắt năm xưa.
… đến cuộc phán xét của lịch sử
Dựa trên những chi tiết và sự kiện có thật, đạo diễn Stephen Frears đã dựng lại bức tranh đầy khốc liệt về một Ireland những năm giữa thế kỷ 20. Đó là một vùng đất hiền hậu, thanh bình nhưng dồn nén bên trong sức mạnh và quyền năng phi thường của tinh thần Công giáo. Ở đó, đàn bà không chồng mà chửa, trẻ em vị thành niên mang thai là những điều khủng khiếp mà chuẩn mực xã hội không thể chấp nhận.
Những đứa trẻ cũng vì thế mà mang tội ngay cả khi chưa sinh ra. Chúng không được chào đón trên đời, phải tự vật lộn cùng mẹ trong cơn vượt cạn trước ánh mắt lạnh lùng, tàn nhẫn của các sơ. Rất nhiều cặp mẹ dại con thơ đã nằm xuống ngay dưới chân các tu viện, chờ sự cứu rỗi và tha thứ từ Chúa. Một số may mắn hơn được đáp chân lên mặt đất, nhưng mẹ chúng vẫn phải trả giá bằng việc lao động khổ sai như “nô lệ” trong nhà thờ bởi những tội lỗi gây nên.
Sau này, khi lịch sử qua đi và nhân loại cùng nhìn lại quãng thời gian tăm tối ấy, câu trả lời xác đáng cho câu hỏi: “Ai là người có lỗi?” vẫn không được đưa ra. Các sơ cả đời chôn chân trong tu viện, nhân danh Chúa để định đoạt những cuộc đời lầm lỗi, cho đến cùng vẫn khăng khăng bảo vệ sứ mệnh thiêng liêng của mình. Martin Sixsmith - một người của thế hệ hôm nay ngược lại, quyết tâm truy tìm sự thật đến cùng trong hy vọng phản tỉnh quá khứ và đòi lại công bằng.
Chỉ có Philomena, người sống ở cả hai thời đại, người trực tiếp trải qua nỗi đau và mang trong mình những vết thương chẳng thể nào lành là người không đưa ra một phán xét nào. Không một giây phút nào trong đời bà thôi nghĩ về Anthony - về chặng đường cay đắng đẫm nước mắt bà đã đi qua. Nhưng vào phút cuối cùng, khi đứng trước sự thật được phơi bày, khi thế hệ hôm qua và thế hệ hôm nay nhảy bổ vào nhau, phân bua đúng sai phải trái, bà dõng dạc tuyên bố: “Tôi tha thứ”.
Sau tất cả, điều bà chờ đợi và tìm kiếm không phải một sự thật nào, cũng không phải một thứ quyền lợi hay sự bù đắp nào. Bà chỉ khát khao gặp lại người con trai bé bỏng, để hỏi anh một điều giản dị rằng anh có nhớ về bà suốt những năm tháng qua như bà luôn nhớ về anh không. Đó là mối băn khoăn hết sức đời thường, chân thật và chính đáng của bất cứ người mẹ trên đời. Chẳng phải những sứ mệnh lớn lao, cũng chẳng phải những cuộc phán xét thảm khốc mà dấu chân thời gian để lại qua các thế hệ.
Stephen Frears đã “định nghĩa” tình mẫu tử giản dị và thiêng liêng như thế. Đó là chủ đề sáng lấp lánh được thắp lên trên nền hiện thực khốc liệt, tàn nhẫn của một thời đại, khi nhân quyền bị những chuẩn mực đạo đức và đức tin cực đoan tôn giáo chà đạp.
Cho đến hôm nay, khi bóng đen của lịch sử qua đi, con người có thể tự do tranh luận về tôn giáo và đức tin, thì tình mẫu tử, tình yêu thương vẫn là sự cứu rỗi vĩnh hằng của mọi trái tim băng giá. Martin - một người đàn ông thất bại, tự kiêu, bất mãn với cuộc đời có thể tin vào tôn giáo, tin vào Chúa hoặc không, nhưng ở con dốc của cuộc đời, anh vẫn không thể phủ nhận mình cần che chở và dẫn đường bởi một ánh sáng như thế.
Philomena và Martin Sixsmith đi hết cuộc hành trình, theo những mục đích, toan tính khác nhau nhưng sau cùng vẫn đứng bên nhau để ánh sáng của lòng bao dung, tình yêu thương lan tỏa. Đó mới là cái đích đẹp nhất của mọi cuộc hành trình, khi con người nhận ra họ cần nhau và muốn che chở cho nhau.
Sau loạt phim Điệp viên 007 ăn khách, Judi Dench đã có được đề cử Oscar thứ bảy trong sự nghiệp với vai nữ chính của Philomena. Khán giả đã bắt gặp một Dench hoàn toàn khác trong bản năng của một người mẹ, luôn trực trào nước mắt khi nghĩ về con trai. Với diễn xuất tự nhiên, không quá kịch tính nhưng cũng hết sức tinh tế, hóm hỉnh, bà đã làm “mềm” đi câu chuyện đầy khắc nghiệt và đau đớn bằng sự lôi cuốn không tuổi trên màn ảnh.
Bên cạnh đó, sự phối hợp ăn ý của Steve Coogan trong vai trò người dẫn đường, người bạn đồng hành cùng Philomena cũng góp phần tạo nên một đối cực uyển chuyển cho cả bộ phim. Sự cầu kỳ của anh cùng với sự giản dị của bà, sự tự ti của anh đặt cạnh sự yêu đời của người đàn bà không bao giờ tuyệt vọng đã gắn kết họ lại với nhau. Và hình như, Sixsmith cũng đã tìm thấy một người mẹ trên hành trình đưa Philomena tìm lại con. Họ sẽ tiếp tục khởi hành nhiều chuyến đi nữa cùng nhau, như những người lớn cô đơn tìm thấy nơi nương tựa.
Câu chuyện về một thời kỳ khắc nghiệt trong lịch sử rồi sẽ qua đi nhưng tình mẫu tử thiêng liêng như nguồn sống của những người mẹ sẽ chảy mãi từ quá khứ đến tương lai, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Philomena và Martin Sixsmith ngoài đời thật cuối cùng trở thành bạn của nhau. Cuốn sách về đứa con mất tích của Philomena đã đưa đến cho bà một người đàn ông khác. Và theo cách nào đó, tình mẫu tử lại một lần nữa lớn lên, sưởi ấm trái tim người đàn bà nhân hậu này…
Trailer phim "Philomena" |
|
Anh Mai