Ông Rodrigo Duterte hôm 14/9 bày tỏ sự lạc quan vào tình hình ở Philippines, cho rằng quốc gia sẽ "trở lại bình thường" vào tháng 12. Tính đến ngày 15/9, Philippines ghi nhận hơn 265.000 ca Covid-19 và 4.630 bệnh nhân tử vong, cao nhất toàn khu vực.
"Chúng tôi sẽ ưu tiên Nga và Trung Quốc, với điều kiện vaccine của họ tốt như bất cứ sản phẩm nào khác trên thị trường", Tổng thống Duterte phát biểu. Tuy nhiên, hoạt động cung ứng vaccine sẽ phải trải qua quá trình đấu thầu.
Chính phủ Philippines đã đàm phán với một số nhà sản xuất tiềm năng, đến từ Mỹ, Nga và Trung Quốc. Họ cũng lên kế hoạch thảo luận với "đại gia" công nghệ sinh học Australia là CSL.
Tổng thống Duterte chỉ trích một số quốc gia phương Tây yêu cầu trả trước chi phí vaccine, ca ngợi Trung Quốc không đòi hỏi điều này. Ông nhấn mạnh luật thương mại Philippines cấm chính phủ mua bán các mặt hàng không tồn tại hoặc chưa được sản xuất.
"Họ muốn được tài trợ cho nghiên cứu trước khi hoàn thiện vaccine. Họ muốn có khoản ứng trước, rồi mới giao sản phẩm. Nếu vậy e rằng chúng ta sẽ chết hết", ông nói.
Manila đã đồng ý hợp tác với Moskva để thử nghiệm Sputnik V, loại vaccine đầu tiên được Nga phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Giới chức Philippines cũng đảm bảo với công chúng rằng "ứng viên" sẽ được đánh giá nghiêm ngặt theo quy định, trước khi phân phối sử dụng.
Tổng cục trưởng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Eric Domingo khẳng định Philippines sẽ "rất cẩn trọng" trong việc chấp thuận Sputnik V.
"Chúng tôi cần đảm bảo rằng vaccine an toàn và hiệu quả", ông nói trên một cuộc phỏng vấn truyền hình.
Trong cuộc điện đàm hồi tháng 6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tuyên bố sẽ ưu tiên cung cấp các liều tiêm phòng Covid-19 cho Philippines. Tổng thống Rodrigo Duterte đã yêu cầu đại lục hỗ trợ trong việc tiếp cận vaccine, trong khi chính phủ các nước phát triển chạy đua để đảm bảo nguồn cung cho công dân của mình.
Hiện nay, toàn thế giới có gần 200 loại vaccine đang phát triển, trong đó 9 "ứng viên" tiến đến thử nghiệm giai đoạn cuối. Ba loại được chấp thuận khẩn cấp thuộc về Trung Quốc và Nga.
Thục Linh (Theo Reuters)