Reuters dẫn lời ông Eugenio Bito-onon Jr, một quan chức địa phương của Philippines, cho hay có 7 tàu Trung Quốc tại bãi Hải Sâm, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"Đây là điều rất đáng báo động", ông Bito-onon Jr nói. Ông cho biết Bãi Hải Sâm "nằm trên đường chúng tôi đi từ Palawan đến Pagasa. Nó nằm giữa hành trình và chúng tôi thường dừng ở đây nghỉ ngơi". Pagasa là cách gọi của Philippines với đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"Tôi cảm thấy có gì đó khác lạ. Người Trung Quốc đang cố gắng bóp nghẹt chúng tôi bằng cách đặt một chốt kiểm soát ảo ở đó. Đây là một sự vi phạm trắng trợn quyền đi lại của chúng tôi, cản trở tự do hàng hải", ông nói thêm.
Các ngư dân thông báo với ông Bito-onon Jr rằng một tàu cá Philippines mắc cạn trong vùng biển này và vẫn ở đó nhưng không bị các tàu Trung Quốc quấy rối.
Một nguồn tin quân đội từ Palawan cho biết một máy bay giám sát đã phát hiện 4-5 tàu gần bãi Hải Sâm vào tuần trước. Nguồn tin này không thể xác định là các tàu chỉ đi qua hay neo tại đây vì khu vực này nằm gần đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng và tích cực bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo.
"Không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ xây dựng hạ tầng hay phát triển nó thành một hòn đảo", nguồn tin này nói.
Tờ Philippines Star thì dẫn lời một ngư dân kể rằng các tàu Trung Quốc đã đuổi theo họ khi họ định đi vào khu vực trên tuần trước.
"Các tàu Trung Quốc màu xám trắng đã ngăn chúng tôi đi vào ngư trường truyền thống, có khoảng 4 chiếc trong số đó nằm bên trong bãi", ông nói.
Quân đội Philippines đang cố gắng xác nhận sự hiện diện của các tàu Trung Quốc gần bãi Hải Sâm. Một tàu chiến Trung Quốc được cho là đã bắn cảnh cáo các ngư dân Philippines tại đây vào năm 2011.
"Chúng tôi biết có các tàu Trung Quốc đang di chuyển quanh khu vực Trường Sa", phát ngôn viên quân đội, thiếu tướng Restituto Padilla, nói. "Cũng có các tàu quanh bãi Cỏ Mây mà chúng tôi muốn xác nhận chắc chắn là liệu chúng có ở đó cố định hay không".
Trung Quốc trong năm qua gia tăng các hoạt động cải tạo đất trên các đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa và gần đây được cho là triển khai các tên lửa và chiến đấu cơ đến quần đảo Hoàng Sa. Những động thái phi pháp này vấp phải sự phản đối gay gắt từ Việt Nam, Philippines cũng như dư luận quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hôm qua yêu cầu Trung Quốc không nên có những hành động "gây hấn" trong khu vực và cảnh báo việc quân sự hóa Biển Đông sẽ dẫn đến "những hậu quả rõ ràng".
Giới chức Trung Quốc hôm nay giải thích rằng các tàu trên được điều đến bãi Hải Sâm để kéo một tàu mắc cạn và hiện chúng đã rời khỏi vùng biển này. Bắc Kinh cũng yêu cầu Washington không kích động cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Anh Ngọc