Trung Quốc không được theo đuổi quân sự hóa ở Biển Đông, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết trong bài phát biểu về nhiều vấn đề tại diễn đàn Commonwealth Club, San Francisco, bang California. "Những hành động cụ thể sẽ có những hậu quả cụ thể".
Bộ trưởng Carter không nêu chi tiết nhưng ông nhấn mạnh quyết tâm của quân đội Mỹ trong đảm bảo an ninh hàng hải trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi có khoảng 30% giá trị thương mại toàn cầu được vận chuyển qua mỗi năm.
Truyền thông Mỹ hôm 17/2 dẫn ảnh chụp từ vệ tinh dân sự cho biết quân đội Trung Quốc đã điều hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hệ thống này có tầm bắn 200 km, tạo ra mối đe dọa cho mọi loại phi cơ, dù là dân sự hay quân sự, bay gần khu vực.
Fox News ngày 24/2 cho biết tình báo Mỹ ghi nhận có sự hiện diện của các chiến đấu cơ Shenyang J-11 và Xian JH-7 trên đảo Phú Lâm.
Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm chiếm giữ các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đồng thời gửi lên Liên Hợp Quốc. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang quân sự hoá Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, trong khi Nhật Bản yêu cầu nước này giải thích rõ ràng về hành động điều tên lửa. Australia, New Zealand cũng đồng loạt kêu gọi Trung Quốc kiềm chế quân sự hoá Biển Đông.
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 23/2, khẳng định Trung Quốc "rõ ràng đang quân sự hóa" Biển Đông và chỉ có người tin Trái Đất phẳng mới nghĩ khác.
Như Tâm