"Philippines tuyên bố rõ ràng rằng sẽ tiếp tục tự kiềm chế, không gây căng thẳng trên Biển Đông", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Albert del Rosario hôm nay cho biết. "Philippines không phải là quốc gia tăng cường sự hiện diện của hải quân trên Biển Đông, cũng không thách thức tự do hàng hải và càng không ngăn trở hay lớn tiếng đe dọa các quốc gia khác".
Ông del Rosario cũng đề cập đến việc hai tàu tuần duyên Trung Quốc hôm 29/3 cố ngăn một tàu của chính phủ Philippines đưa binh sĩ và đồ tiếp tế lên cho đội quân đồn trú trên tàu BRP Sierra Madre. Vụ việc xảy ra gần Bãi Cỏ Mây trên quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam (tên quốc tế gọi là Second Thomas Shoal, Philippines gọi là Ayungin, Trung Quốc gọi là Nhân Ái).
Manila đang chờ đợi phán quyết của Tòa án quốc tế ở The Hague nhằm xác nhận quyền của quốc gia này trên Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý (370,4 km), trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Yêu cầu trên đồng nghĩa với việc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đòi chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông. Philippines cũng đề nghị tòa án tuyên bố việc Bắc Kinh chiếm 8 bãi cạn và bãi san hô ở vùng biển này là bất hợp pháp.
Bắc Kinh tỏ thái độ bất mãn và quyết phản đối vụ kiện trên. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân gần đây cho biết quan điểm giải quyết tranh chấp của họ là thông qua đàm phán song phương.
Tuy nhiên, phía Manila khẳng định vụ kiện trên không phải để khiêu khích Trung Quốc, mà chỉ nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia Philippines một cách hòa bình.
Việt Nam quan tâm và theo dõi sát diễn biến của vụ kiện nói trên. Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hiện diễn ra giữa các nước bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei.
Đức Dương