AP dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario phát biểu trong cuộc họp báo hôm qua cho biết các tài liệu đệ trình theo đường điện tử lên Tòa án quốc tế ở The Hague gồm gần 4.000 trang phân tích và bằng chứng văn bản.
Các quan chức Philippines quyết định đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ra tòa án quốc tế vào tháng 1/2013, sau khi các tàu Trung Quốc kiểm soát một bãi cạn nằm trong khu vực tranh chấp ở ngoài khơi phía tây bắc Philippines. Họ đề nghị tòa án tuyên bố rằng yêu sách của Bắc Kinh đòi chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông cùng việc Trung Quốc chiếm 8 bãi cạn và bãi san hô ở vùng biển này là bất hợp pháp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cuối tuần trước cho biết Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp thuận hay tham gia vào các vụ kiện quốc tế mà Philippines theo đuổi. Ông kêu gọi Philippines "ngừng tiến thêm vào con đường sai lầm để tránh gây thêm tổn hại cho quan hệ song phương".
Marie Harf, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ủng hộ hành động của Philippines, đồng thời nói rằng "tất cả các quốc gia cần tôn trọng quyền lợi của các bên, trong đó có Cộng hòa Philippines, trong việc sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển".
Bà Harf nhắc lại lập trường của Mỹ rằng tất cả các bên cần kiềm chế, tránh những hành động "làm căng thẳng leo thang, gây mất ổn định, làm rõ những vấn đề về biển và tuyên bố chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời cam kết giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình".
Trong một diễn biến khác, hai tàu tuần duyên Trung Quốc hôm qua cố ngăn một tàu của chính phủ Philippines đưa binh sĩ và đồ tiếp tế lên cho đội quân đồn trú trên tàu BRP Sierra Madre. Vụ việc xảy ra gần Bãi Cỏ Mây trên quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam (tên quốc tế gọi là Second Thomas Shoal, Philippines gọi là Ayungin, Trung Quốc gọi là Nhân Ái). Tuy nhiên, tàu tiếp tế Philippines đã vượt qua sự phong tỏa của các tàu tuần duyên Trung Quốc để chuyển hàng cho các binh sĩ.
Trung Quốc tự cho là có chủ quyền đối với vùng nước bên trong một đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò. Tuyên bố này không được bất kỳ quốc gia liên quan nào công nhận vì không hề có cơ sở pháp lý. Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hiện nay diễn ra giữa các nước Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia và Brunei.
Như Tâm