"Cơ quan Điều phối An ninh, Công lý và Hòa bình Philippines (SJPCC) đã đình chỉ mọi hoạt động thăm dò trong các khu vực tranh chấp ở Biển Đông", Martin Andanar, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết hôm 20/4 nhưng không nêu lý do.
Bộ Năng lượng Philippines đã phản đối quyết định này, cho rằng "khảo sát địa vật lý là hoạt động hoàn toàn hợp pháp ở bất kỳ khu vực tranh chấp nào". Bộ Ngoại giao Philippines trong khi đó cho biết đang cố xác nhận thông tin từ báo chí rằng một tàu hải cảnh Trung Quốc đã bám đuôi các tàu khảo sát của Philippines gần đây.
Các hoạt động thăm dò dầu khí của Philippines ở Biển Đông được khôi phục hồi tháng 10/2020, sau khi Tổng thống Duterte dỡ lệnh đình chỉ được áp đặt từ năm 2014.
Manila năm 2018 ký với Bắc Kinh thỏa thuận hợp tác phát triển dầu khí ở Biển Đông. Tuy nhiên, chính phủ hai nước tới nay được cho là vẫn chưa xác định các dự án cụ thể trong thỏa thuận.
Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển của Đại học Philippines Jay Batongbacal nhận định quyết định đình chỉ thăm dò của Philippines là dấu hiệu cho thấy nước này đã chịu sức ép từ Trung Quốc. "Về cơ bản, Trung Quốc đang cố gắng làm cho Philippines đồng ý thăm dò và phát triển chung theo các điều kiện Trung Quốc đưa ra", ông nói.
Philippines đang đối mặt với nguồn năng lượng dự trữ ngày càng cạn kiệt. Mỏ khí Malampaya, đáp ứng 40% nhu cầu năng lượng của đảo chính Luzon, dự kiến cạn kiệt trong vài năm tới.
Căng thẳng Trung Quốc - Philippines về Biển Đông đã gia tăng trong năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte. Philippines cuối tháng trước cáo buộc tàu hải cảnh của Trung Quốc quấy rối tàu cảnh sát biển nước này khi hoạt động gần bãi cạn Scarborough. Manila nói đây là vụ chạm trán khoảng cách gần thứ tư giữa cảnh sát biển Philippines và hải cảnh Trung Quốc tại khu vực bãi cạn Scarborough kể từ tháng 5/2021.
Trước đó, sau vụ kiện của Philippines, Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra nhằm đòi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, nhưng Trung Quốc phớt lờ phán quyết.
Ngọc Ánh (Theo AFP)