Toà Trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc ở The Hague (La Haye), Hà Lan hôm qua tuyên bố có thẩm quyền xử lý vụ Philippines kiện yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Tòa thông báo rằng việc Trung Quốc "không xuất hiện" (từ chối tham gia) vụ kiện không ảnh hưởng đến thẩm quyền của tòa.
Philippines đã đệ trình 15 luận điểm trong thủ tục tố tụng. Trên trang Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chuyên gia Jay Batongbacal đã tóm tắt lại 4 vấn đề chính mà Phillipines đặt ra trong vụ kiện.
Điểm đầu tiên là về yêu sách "đường 9 đoạn" hay còn gọi là "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh tự đặt ra ở Biển Đông. Manila cho rằng "đường 9 đoạn" là một yêu sách quá đáng và không phù hợp với quyền của các quốc gia có bờ biển theo UNCLOS. Trung Quốc đã rất mập mờ về phạm vi của "đường 9 đoạn" mà họ đặt ra. Tuy nhiên, một khi tòa án quyết định về vấn đề này, sự mập mờ đó sẽ bị hạn chế.
Thứ hai, dựa vào điểm thứ nhất, Philippines cho rằng việc Trung Quốc chiếm đóng nhiều thực thể tại quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp. Manila đưa ra lập luận này vì cho rằng Trung Quốc có "những yêu sách về sở hữu hoặc chủ quyền không chính đáng đối với các khu vực hoàn toàn ngập nước, hoặc quyền lịch sử không chính đáng với tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả quyền kiểm soát hàng hải".
Thứ ba, tòa sẽ đánh giá lập luận của Manila rằng Trung Quốc đang khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, theo UNCLOS.
Thứ tư, Manila tuyên bố rằng Bắc Kinh đã can thiệp vào khả năng tự do di chuyển của Manila trong chính EEZ của Philippines.
Tòa án có thể đồng ý hay bác bỏ từng luận điểm riêng biệt của Philippines. Thực tế, tòa hiện chỉ khẳng định họ có thẩm quyền xem xét 7 trong số 15 luận điểm mà Phillipines đưa ra. Tòa đã yêu cầu Manila làm rõ một luận điểm và sẽ xem xét thẩm quyền ra phán quyết về các vấn đề còn lại "trong giai đoạn đánh giá tính hợp lý" của các lập luận.
7 luận điểm tòa đã tuyên bố có thẩm quyền xem xét là:
Bãi cạn Scarborough không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây và đá Subi là bãi cạn nửa chìm nửa nổi không tạo ra lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, và không phải là thực thể có thể bị chiếm đoạt làm của riêng bằng cách chiếm đóng.
Đá Gaven và đá Ken Nan là bãi cạn nửa chìm nửa nổi không tạo ra lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tuy nhiên, đường đánh dấu mực nước khi triều hạ của nó có thể được sử dụng để xác định phạm vi lãnh hải của đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn.
Đá Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Trung Quốc đã có hành vi bất hợp pháp khi ngăn chặn ngư dân Philippines kiếm sống, bằng cách can thiệp vào các hoạt động đánh bắt cá truyền thống tại bãi cạn Scarborough.
Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Công ước bảo vệ và bảo tồn môi trường biển tại bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây.
Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Công ước bằng cách vận hành các tàu thực thi pháp luật của nước này một cách nguy hiểm, gây ra nguy cơ va chạm lớn với tàu Philippines di chuyển trong vùng lân cận bãi cạn Scarborough.
Mặc dù từ chối tham gia thủ tục tố tụng của tòa, Trung Quốc đã đưa ra một văn bản thể hiện lập trường về vấn đề này vào tháng 12/2014. Tòa án kể từ đó đã chấp nhận tài liệu này như luận điểm chính thức của Trung Quốc trong vụ kiện.
Khi vấn đề về thẩm quyền đã được giải quyết, vụ kiện có thể tiến triển đến vòng đánh giá sự hợp lý của các luận điểm Philippines đưa ra về vấn đề Biển Đông. Tòa dự kiến sẽ ra phán quyết vào năm 2016.
Phương Vũ