"Tôi đang kêu gọi Mỹ. Tôi đang cầu khẩn hiệp ước Mỹ - Philippines. Tôi muốn Mỹ triển khai toàn bộ Hạm đội 7 để đối đầu Trung Quốc. Tôi đang yêu cầu họ. Tôi sẽ tham gia cùng họ, tôi sẽ ngồi cùng với đô đốc Mỹ trên tàu chiến", Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 17/7 phát biểu trên truyền hình quốc gia nước này.
Tuyên bố của Duterte được đưa ra sau khi các quan chức Mỹ và Philippines kết thúc cuộc họp Rà soát Chiến lược Song phương kéo dài hai ngày ở Manila. Theo đó, cả hai nước đều thừa nhận tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh vững mạnh trong việc tăng cường hợp tác an ninh, cũng như thúc đẩy ổn định và thịnh vượng khu vực.
"Cả hai bên đều tái khẳng định cam kết bảo vệ tự do hàng hải, hàng không và các hoạt động hợp pháp khác ở Biển Đông. Hai nước cũng coi trọng việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế vốn được đề cập trong Công ước về Luật biển", tuyên bố chung của cuộc họp có đoạn.
Sau cuộc họp, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Hermogenes Esperon bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ luôn sát cánh cùng nước này để bảo vệ và duy trì tự do hàng hải tại Biển Đông.
"Chúng tôi có thể không phải là một cường quốc quân sự, nhưng chúng tôi tự tin có thể giữ vững chủ quyền lãnh thổ ở vùng biển Tây Philippines", Esperon tuyên bố, ám chỉ đến Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông bằng "đường 9 đoạn" do nước này đơn phương vẽ ra, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực và quy định của luật pháp quốc tế. Bắc Kinh cũng hứng chỉ trích mạnh mẽ của dư luận quốc tế khi tiến hành các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa vùng biển này.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Duterte thường xuyên thể hiện lập trường xa rời đồng minh Mỹ và xích lại gần Trung Quốc để đổi lấy các lợi ích kinh tế, đầu tư.
Mỹ và Philippines ký hiệp ước bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp một nước bị tấn công, nhưng Duterte luôn tỏ ra hoài nghi về thỏa thuận này. Hồi tháng 3, ông cho rằng Mỹ sẽ khó can thiệp trong trường hợp Philippines bị tấn công, bởi mọi quyết định khai chiến của Washington đều phải được quốc hội nước này thông qua theo quy trình rất phức tạp.
Nguyễn Hoàng (Theo Bangkok Post)