Trung Quốc điều tàu và máy bay cản trở lực lượng cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền hồi tháng 5. Ảnh: Reuters
“Theo đúng nghĩa, quan điểm của Việt Nam rất hữu ích trong việc thúc đẩy thượng tôn pháp luật và tìm ra các giải pháp hòa bình, phi bạo lực với các yêu sách ở Biển Đông", GMA Network dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines hôm qua cho biết.
Theo Manila, lập trường của Việt Nam cũng giúp duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 11/12 khẳng định Việt Nam kiên quyết bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm đường 9 đoạn. Ông Bình đề nghị Tòa trọng tài, nơi tiếp nhận vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam khi xem xét vụ kiện.
Đề cập tới Văn kiện lập trường của Trung Quốc hôm 7/12, ông Bình nhấn mạnh Việt Nam một lần nữa tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với các quyền và lợi ích pháp lý khác của Việt Nam ở Biển Đông. Cùng ngày, Trung Quốc tái khẳng định sẽ không tham gia vụ kiện tranh chấp chủ quyền Biển Đông tại tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague (La Haye) do Philippines đương đơn.
Bắc Kinh hồi 2009 công bố yêu sách đường 9 đoạn chiếm gần 80% diện tích Biển Đông, xâm phạm nhiều khu vực thuộc chủ quyền của các quốc gia ven biển ở khu vực, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Gần đây Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo và xây dựng ở quần đảo Trường Sa để biến các bãi đá thành các đảo nhân tạo, nhằm củng cố yêu sách đường 9 đoạn.
Trong nghiên cứu công bố hôm 6/12, Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại rằng đường 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông là mơ hồ, phần lớn lời diễn giải yêu sách không tuân theo luật quốc tế.
Manila hồi tháng 3 nộp gần 4.000 tài liệu lên tòa án trọng tài, đề nghị Trung Quốc làm rõ yêu sách với đường 9 đoạn ở Biển Đông. Ngày mai, 15/12 là thời hạn mà tòa án trọng tài yêu cầu Bắc Kinh đưa ra phản biện đối với vụ kiện.
Khánh Lynh