"Nếu Trung Quốc không làm rõ được rằng yêu sách của họ với các đảo nằm trong đường 9 đoạn và yêu sách với bất kỳ khu vực nào được vạch ra từ các thực thể trên Biển Đông là tuân theo luật biển quốc tế, như nêu trong Công ước năm 1982 của Liên Hợp Quốc, thì yêu sách đường 9 đoạn đó không phù hợp với luật biển quốc tế", Rappler dẫn nhận định trong nghiên cứu do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố cuối tuần qua.
Bản nghiên cứu dài 26 trang do Cơ quan Đại dương và các vấn đề Môi trường và khoa học quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện. Các chuyên gia tập trung phân tích một số phần diễn giải của Trung Quốc, trong đó đường biên giới quốc gia và yêu sách lịch sử đều "không có căn cứ luật pháp thích đáng căn cứ vào luật biển".
Với phần đường biên giới quốc gia, Mỹ cho rằng "mâu thuẫn với luật quốc tế". "Các đoạn 2, 3 và 8 xuất hiện trên bản đồ năm 2009 của Trung Quốc không chỉ tương đối gần với bờ biển thuộc đất liền của các nước khác, mà chúng còn nằm ngoài ranh giới 200 hải lý tính từ bất kỳ thực thể nào mà Trung Quốc đòi kiểm soát", các chuyên gia Mỹ phân tích.
Với "yêu sách lịch sử", theo Mỹ, đường 9 đoạn không thể hiện được việc Trung Quốc thực thi chủ quyền "rõ ràng và liên tục" ở Biển Đông, không có nước nào đồng tình rằng Bắc Kinh thực thi chủ quyền ở khu vực này.
Theo Rappler, về cơ bản, nghiên cứu này của Mỹ nhắc lại quan điểm của các quan chức cấp cao Washington trước đó, đề nghị Trung Quốc làm rõ yêu sách đường 9 đoạn ở Biển Đông. Giới học giả quốc tế đều cho rằng đường 9 đoạn này là yêu sách phi lý.
Mỹ công bố bản nghiên cứu ngay trước ngày 15/12, thời hạn mà tòa án trọng tài thường trực ở The Hague, Hà Lan, đưa ra để Trung Quốc nộp bản phản biện lại các tài liệu của Philippines trong vụ kiện Manila đề xuất.
Trung Quốc công bố yêu sách đường 9 đoạn chiếm gần 80% Biển Đông, xâm phạm nhiều khu vực thuộc chủ quyền của các quốc gia ven biển ở khu vực, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Gần đây Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo và xây dựng ở quần đảo Trường Sa để biến các đá thành các đảo nhân tạo, nhằm củng cố yêu sách đường 9 đoạn.
Khánh Lynh