"Chúng ta khó có khả năng sở hữu tiêm kích F-16 vì ngân sách cho dự án chiến đấu cơ đa năng (MRF) chỉ đủ mua hai chiếc. Nếu lựa chọn dòng Gripen của Thụy Điển, chúng ta có thể mua được 6 phi cơ", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói trong cuộc họp báo cuối tuần trước.
Giới chức Philippines cho biết phiên bản F-16V của Mỹ mà nước này nhắm tới có giá 12-35 triệu USD/chiếc tùy cấu hình cụ thể. Bộ trưởng Lorenzana thừa nhận cách duy nhất để Manila sở hữu F-16 là thông qua hỗ trợ tài chính của Washington.
"Nếu không có sự hỗ trợ này, Philippines không còn lựa chọn nào ngoài theo đuổi thương vụ mua máy bay Gripen", ông nói thêm.
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc hồi tháng 6 thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt hợp đồng tiềm năng để bán tiêm kích F-16 Block 70/72 và thiết bị đi kèm cho Philippines với mức giá ước tính 2,43 tỷ USD, cùng với đó là 12 tên lửa chống hạm phóng từ máy bay AGM-84L-1 Harpoon và 24 tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9X Block II với trị giá lần lượt 120 và 42,4 triệu USD.
Chính phủ Philippines trước đó đề xuất mua 12 tiêm kích F-16 Block 70/72, gồm 10 chiếc F-16C một chỗ ngồi và hai máy bay F-16D hai chỗ ngồi, cùng vũ khí và phụ tùng kèm theo.
Tuy nhiên, thông báo không cho thấy Philippines và Mỹ đã đạt được thỏa thuận mua bán với các thương vụ này. Bộ Ngoại giao Mỹ thường phê duyệt xuất khẩu vũ khí trước khi quá trình đàm phán kết thúc, đây không phải dấu hiệu cho thấy khách hàng của Washington sẽ mua toàn bộ khí tài với mức giá được công bố.
Không quân Philippines hiện không có tiêm kích chuyên biệt có khả năng chiến đấu ngoài tầm nhìn thị giác. Nhiệm vụ tuần tra phòng không đang được không quân nước này giao cho phi đội 12 chiến đấu cơ hạng nhẹ FA-50PH phát triển từ máy bay huấn luyện phản lực KAI T-50 do Hàn Quốc chế tạo.
Vũ Anh (Theo PNA)