Theo dự thảo luật, những người hát quốc ca thiếu "khí thế" sẽ bị phạt từ 1.000 USD đến 2.000 USD và đối mặt với án tù một năm, theo CNN.
Tuy nhiên, dự luật này không định nghĩa rõ thế nào là hát quốc ca đủ nhiệt tình và làm sao để xác định những cá nhân vi phạm.
Dự luật cũng yêu cầu tất cả học sinh tại các trường công và tư lập ở Philippines đều phải thuộc quốc ca. Mọi công dân khi hát quốc ca phải hướng mặt về phía cờ tổ quốc hoặc trong trường hợp không có cờ thì phải đối diện với ban nhạc. Những cá nhân "do niềm tin tôn giáo mà không thể hát quốc ca" phải đứng yên "thể hiện sự tôn trọng".
Trước khi chính thức trở thành luật, dự thảo luật này cần được Thượng viện và Tổng thống thông qua.
Các nhà phân tích cho rằng đây là biện pháp nhằm khuyến khích lòng yêu nước của công dân Philippines.
"Một vài người Philippines thậm chí không thuộc lời quốc ca", Marlyn Alonte, một người ủng hộ dự luật, lên tiếng phê phán.
Trong những năm gần đây, chính phủ một số nước châu Á cũng ban hành các quy định tương tự liên quan đến quốc ca.
Năm ngoái, Tòa án Tối cao Ấn Độ ra phán quyết yêu cầu các rạp chiếu phim phải mở quốc ca trước mỗi buổi chiếu phim.
Năm 2014, chính phủ Trung Quốc ban hành quy định cấm sử dụng quốc ca tại các sự kiện có "hoàn cảnh không phù hợp". Ngoài ra, khi hát quốc ca, mọi người phải hát hết bài, không được phép bắt đầu hoặc dừng hát giữa chừng. Việc sửa lời và giai điệu của quốc ca cũng bị cấm.
An Hồng