"Chúng ta không thể thực hiện hợp đồng đó. Nếu mua với giá này, quân đội Philippines chỉ có thể mua một hoặc hai trực thăng với ngân sách được cấp. Đó là lý do chúng tôi đang tìm mua khí tài từ các quốc gia ngoài Mỹ, cho phép sở hữu nhiều trực thăng hơn với khoản tiền được phân bổ", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm qua cho biết.
Tuyên bố được đưa ra vài tuần sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ duyệt đề xuất bán 6 trực thăng vũ trang AH-1Z Viper kèm theo 6 tên lửa đối đất AGM-114 Hellfire và rocket dẫn đường APKWS cho Philippines với tổng trị giá 450 triệu USD. Washington cũng để ngỏ khả năng bán 6 trực thăng tấn công AH-64 Apache cho Manila với trị giá 1,5 tỷ USD.
Bộ trưởng Lorenzana khẳng định Philippines sẽ ngừng mua trực thăng vũ trang nếu các nhóm phiến quân ở phía nam chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài hàng chục năm với chính phủ.
Ông cũng cho biết quyết định bỏ hợp đồng với Mỹ "không liên quan" đến việc Manila hủy Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) hồi tháng 2. Thỏa thuận này vốn tạo cơ sở pháp lý cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines để tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung.
Washington vẫn là đồng minh quan trọng nhất của Manila, dù hai nước từng xảy ra nhiều bất đồng kể từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên nắm quyền năm 2016. Phần lớn trang bị vũ khí của Philippines vẫn do Mỹ sản xuất và đã trở nên lạc hậu, khiến nước này tìm kiếm các nguồn cung cấp mới nhằm hiện đại hóa lực lượng và giảm sự phụ thuộc vào Washington.
Vũ Anh (Theo ABS-CBN)