Giao tranh nổ ra tại khu vực thuộc bang Karen gần sông Salween, chảy qua biên giới Myanmar - Thái Lan, vào khoảng 5 giờ sáng (4h30 giờ Hà Nội) ngày 27/4. "Lực lượng chúng tôi chiếm được doanh trại của quân chính phủ Myanmar", Padoh Saw Taw Nee, người đứng đầu bộ phận đối ngoại của nhóm phiến quân Liên minh Quốc gia Karren (KNU), cho biết. "Doanh trại đã bị đốt trụi".
Một số nhân chứng ở Thái Lan cho biết họ nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ từ phía lãnh thổ Myanmar. "Chúng tôi nghe thấy tiếng đạn từ phía bên kia biên giới", Hkara, một người dân tộc Karen sống tại làng Mae Sam Laep của Thái Lan, cho biết. "Chúng tôi thấy 5 hoặc 6 binh sĩ Myanmar chạy xuống sông và phiến quân KNU bắn họ lúc trời rất tối".
KNU không công bố thương vong trong giao tranh. Chính quyền quân sự và Bộ Quốc phòng Myanmar chưa bình luận về thông tin.
Phiến quân KNU hồi tháng 4 chiếm một tiền đồn của quân chính phủ Myanmar tại bang Karen. Không quân Myanmar sau đó đáp trả bằng nhiều cuộc không kích trong đêm, động thái chưa từng diễn ra tại bang Karren trong hơn 20 năm qua.
Hkara cho biết một số dân làng rời bỏ nhà cửa và sơ tán tới các thị trấn khác vì lo không quân Myanmar không kích đáp trả KNU. "Không ai dám ở lại. Họ đã chạy vào sáng sớm khi cuộc giao tranh bắt đầu", Hkara nói.
Đụng độ gia tăng tại bang Karen trong những tuần qua, khiến hơn 24.000 dân thường phải di tản, trong đó khoảng 2.000 người vượt sông Salween sang lánh nạn ở Thái Lan.
Các nguồn tin an ninh Thái Lan cho biết binh sĩ Myanmar ngày 22/4 nổ súng cảnh cáo và chặn một thuyền dân sự chở các sĩ quan tuần biên của nước này trên sông Salween do nghi đây là thuyền tiếp tế cho phiến quân KNU.
Biểu tình nổ ra tại nhiều nơi ở Myanmar sau khi quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và tiếp quản quyền lực hôm 1/2. Lực lượng an ninh Myanmar sử dụng vũ lực trấn áp và đẩy lùi các cuộc biểu tình. KNU chỉ trích các động thái quân sự của giới chức Myanmar và cho biết đang "che chở" cho ít nhất 2.000 người biểu tình trốn khỏi các thành phố.
Một nhóm quan sát địa phương cho biết hơn 750 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ, song chính quyền quân sự Myanmar công bố số người chết thấp hơn và cáo buộc "những kẻ bạo động" gây ra tình trạng bạo lực.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)