Samo Ilyas Ali có 9 người con để chăm sóc nhưng anh không thể tập trung cho tương lai. Anh bị ám ảnh bởi tiếng phụ nữ và trẻ em kêu cứu khi bị phiến quân của Tổ chức nhà nước Hồi giáo IS chôn sống ở miền bắc Iraq.
Hàng chục ngàn người Yazidi đã chạy khỏi vùng núi Sinjar và nhiều ngôi làng khác để trốn khỏi cuộc tàn sát khốc liệt của phiến quân Hồi giáo dòng Sunni, những người luôn cho rằng cộng đồng dân tộc thiểu số này "thờ cúng ma quỷ" và muốn họ cải đạo hoặc là sẽ chết.
Bị ám ảnh bởi những màn chặt đầu và tàn sát hàng loạt của phiến quân trên, tộc người Yazidi muốn rời bỏ Iraq và đi càng xa càng tốt tới những đất nước như Đức để không phải chứng kiến cảnh tượng man rợ.
Cách đây 10 ngày, Ali và những người làng của anh bất ngờ bị phiến quân IS được trang bị súng máy bao vây trong đêm tối. Những binh lính đó để râu và vài người còn đeo mặt nạ, trên đầu có dòng chữ Ảrập. Họ đào những chiếc hố và không lâu sau chỗ đó biến thành mộ tập thể.
"Chúng tôi không hiểu. Các tay súng đẩy mọi người xuống hố trong khi họ vẫn còn sống", Reuters dẫn lời Ali, chủ cửa hàng rau quả 46 tuổi, vừa nói vừa khóc.
Lúc sau, Ali nghe thấy tiếng súng nổ và cảnh tượng kinh hoàng ấy khiến người đàn ông này không thể quên được. "Phụ nữ, trẻ nhỏ gào khóc kêu cứu. Chúng tôi phải chạy đi để thoát thân mà chẳng thể làm gì cho họ được", Ali kể.
Một số người Yazidi thoát chết với sự giúp đỡ của người Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Trong nhiều cuộc tàn sát đẫm máu gần đây, phiến quân Hồi giáo cực đoan đã giết chết ít nhất 80 đàn ông làng Kawju vì họ không cải đạo sang đạo Hồi còn phụ nữ và trẻ em thì bị bắt đi, giới chức Iraq cho biết.
Dân tộc thiểu số Yazidi ở Iraq theo một dòng tôn giáo cổ đại có nguồn gốc từ Zoroastrianism, được truyền bá khắp miền bắc Iraq và trong một phần người Kurd thiểu số của đất nước. Nhiều ngôi làng của họ từng bị phá hủy khi quân đội của cựu tổng thống Saddam Hussein tiêu diệt người Kurd cuối thế kỷ trước.
Hiện giờ, họ cảm thấy bị bỏ rơi vì người Kurd đã bỏ mặc họ. Iraq vừa có một thủ tướng mới, người được xem là ôn hòa hơn người tiền nhiệm, có lẽ sẽ mang lại sự ổn định chính trị có lợi cho người dân phía bắc nước này.
Tuy nhiên nhiều người Yazidi không còn trung thành với Iraq và các nhà lãnh đạo bởi họ có nhiều lựa chọn. Tất cả những gì họ có thể làm hiện tại là chờ đợi và cố gắng quên những gì khiến họ phải bỏ nhà ra đi.
"Tôi vẫn nghe thấy tiếng hét khi phụ nữ và trẻ nhỏ bị chôn sống. Chúng còn cố giữ cho đầu của các nạn nhân nhô lên để thở", Dawud Hassan, thợ sửa xe 26 tuổi, nhớ lại.
Với Hassan, Iraq không còn gì trong anh. Từ chỗ có nhà, cửa hàng, giờ thì Hassan trắng tay vì tất cả đều bị đốt sạch. "Chúng tôi muốn sang Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không được phép", Hassan nói và bày tỏ mong muốn sang châu Âu.
Bình Minh