Hai ngày sau khi có mặt trên chuyến bay với Aziza, phóng viên của CNN đã đi theo các cô bé và một số người trong gia đình lên tầng ba của một tòa nhà bỏ hoang tại Zakho, Iraq, hiện là nơi trú ẩn tạm thời của khoảng 1.000 người thuộc cộng đồng tôn giáo thiểu số Yazidi.
Ở bên trong, các cô bé, những người anh trai và cậu em họ 16 tuổi co quắp ở một góc tường với chút đồ đạc ít ỏi.
"Chúng cháu chẳng có thức ăn. Không nước uống. Chúng cháu không ngủ. Rất, rất nghèo", anh trai của Aziza, Kareem, nói. "Chẳng có gì tốt đẹp cả".
Những đứa trẻ nhà Hamid, cũng như nhiều người Yazidi, bắt đầu rơi vào tình cảnh này hơn một tuần trước, khi họ bỏ trốn lên núi để tránh các thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang càn quét thị trấn Sinjar. Hàng nghìn người được cho là đang mắc kẹt trên núi dưới nắng gắt, không thức ăn, nước uống và thuốc men.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh không kích các phiến quân vào tuần trước, để bảo vệ người Yazidi và những người đang chạy trốn khỏi tay IS. Ông cũng ra lệnh thả hàng cứu trợ nhân đạo xuống núi. Tuy nhiên, một cuộc sơ tán quy mô lớn khó có thể diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao và quân đội Mỹ đánh giá rằng, số người bị mắc kẹt "ít hơn lo ngại".
Số người Yazidi trên núi từng được cho là lên đến vài chục nghìn nhưng hiện giờ chỉ ở mức "vài nghìn", Brett McGurk, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ, nói hôm qua.
Một phần lý do dẫn đến sự sụt giảm số người mắc kẹt chính là nhờ các cuộc không kích và viện trợ nhân đạo, cũng như các cuộc sơ tán bằng trực thăng của chính phủ Iraq, ông McGurk nói thêm. Hiện những người chạy trốn IS vẫn đang tiếp tục hành trình của mình bằng trực thăng hoặc đi bộ.
Yazidi là một trong những cộng đồng tôn giáo thiểu số lâu đời nhất và nhỏ nhất trên thế giới. Các tay súng IS gọi họ là "những kẻ thờ phụng quỷ dữ" và thề sẽ giết hết người Yazidi.
Video gia đình Hamid và người Yazidi chạy trốn IS:
Khi IS chiếm được Sinjar, quê hương của người Yazidi, gia đình Hamid buộc phải chạy trốn.
"Cháu rất vui mừng vì chúng cháu còn sống, nhưng cháu rất buồn và lo cho cha cháu", người chị gái Dunya, 17 tuổi, nói. Cha của các em, cũng như nhiều người khác, từ chối rời thị trấn Sinjar trước khi IS đến.
"Tất cả chúng tôi đã cố gắng hết sức để thuyết phục cha nhưng ông không chịu rời khỏi nhà", anh trai lớn của Aziza, Thabed Hamid, nói. "Ông ấy nói đó là một sự sỉ nhục. Tôi quyết định không để chúng bắt các em và phụ nữ trong nhà. Vì thế chúng tôi ra đi".
Gia đình Hamid chưa kịp đi xa thì gặp phải các tay súng IS. Những kẻ này liên tiếp nã đạn vào những người Yazidi đang bỏ chạy trên một cây cầu.
"Cháu nhảy ra khỏi xe và nhảy xuống khỏi chiếc cầu vì cháu rất sợ IS", Aziza kể.
Từ đó, những đứa trẻ tìm đường lên núi, trong cái nắng oi ả của mùa hè Iraq.
"Nếu có thể tìm một cái cây để ngồi nghỉ dưới bóng râm thì chúng cháu thật may mắn", Dunya nói. "Trong 4 ngày đầu, chúng cháu không có gì ăn, chỉ có nước uống. Tìm được mẩu bánh mì nào chúng cháu phải cho những đứa bé nhỏ hơn để chúng không bị chết".
Đó là những ngày dài trước khi các cô cậu bé biết được số phận của cha mình. Hôm 12/8, qua một cuộc điện thoại, những đứa trẻ hay tin cha vẫn còn sống. Cuối cùng ông cũng đã bỏ trốn khỏi Sinjar và lên núi.
Anh Ngọc