-
11h30
Quốc hội nghỉ trưa
Phiên chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng sẽ tiếp tục lúc 14h.
-
11h20
Vì sao cấm doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu làm vàng trang sức?
Đại biểu Trịnh Xuân An chất vấn, hiện Nghị định 24 không cấm doanh nghiệp nhập nguyên liệu về làm vàng trang sức mỹ nghệ, nhưng "chúng ta vẫn đang cấm".
"Tư duy này đang vi phạm nguyên tắc không quản được thì cấm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân", ông An nói, thêm rằng hiện nhiều gia đình đi tìm mua nhẫn cưới thôi cũng khó.
"Đề nghị Thống đốc cho biết có nên để doanh nghiệp nhập nguyên liệu về làm vàng trang sức để phục vụ người dân, nhà nước thu được thuế hay không?", ông An nêu câu hỏi.
Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói Nghị định 24 quy định cách quản lý vàng miếng và trang sức mỹ nghệ. Với vàng trang sức mỹ nghệ, Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất loại vàng này. Kinh doanh vàng trang sức là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, nguyên liệu vàng trang sức mỹ nghệ là nhập khẩu và doanh nghiệp có thể mua bán ở thị trường trong nước. Ngân hàng Nhà nước không cấm doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Song theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng. Do đó, bà Hồng nói tùy theo chính sách tiền tệ của từng thời kỳ, cơ quan quản lý có chính sách phù hợp về xuất nhập khẩu vàng.
-
11h10
'Chưa thể bỏ cách thức điều hành theo hạn mức tín dụng'
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho biết, Nghị quyết chất vấn của Quốc hội yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiến tới dỡ bỏ điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng. "Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nội dung này như thế nào? Lộ trình tiến tới xóa bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng?", ông hỏi.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói chưa thể bỏ cách thức điều hành theo hạn mức tín dụng bởi thực trạng nền kinh tế phụ thuộc lớn vào vốn, nếu mỗi tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng đến vài chục phần trăm sẽ tiềm ẩn rủi ro. Bởi vốn ngân hàng đáp ứng nhu cầu trung, dài hạn, còn trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần, cổ phiếu chưa giải quyết được nhu cầu vốn.
Bên cạnh đó, World Bank, tổ chức tài chính, chuyên gia quốc tế đều nhìn nhận dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức cảnh báo, nên Ngân hàng Nhà nước cũng báo cáo Thủ tướng chưa bỏ hạn mức tín dụng.
Song, Ngân hàng Nhà nước đã hướng tới điều hành linh hoạt hơn, có giải pháp đáp ứng nhu cầu tín dụng. Trong đó có cấp hạn mức theo đánh giá xếp loại của cơ quan đánh giá cơ quan Nhà nước, để nhận biết tổ chức tín dụng nào có khả năng kiểm soát rủi ro. Ngân hàng Nhà nước cũng cân đối ưu tiên của Chính phủ về nông nghiệp, xuất khẩu, bất động sản, chứng khoán để xem xét.
Cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tăng trưởng tín dụng của cả năm 2024 cho tất cả tổ chức tín dụng với chỉ tiêu khoảng 15%. Từ tháng 8, tổ chức tín dụng cũng được điều chỉnh tự động, với nguyên tắc không vượt quá 80% mức Ngân hàng Nhà nước thông báo.
-
10h55
Sẽ tiếp tục nghiên cứu việc lập sàn giao dịch vàng
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật Lê Thanh Hoàn đặt câu hỏi hiện tại đã phải là thời điểm thích hợp để thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước đã có nghiên cứu, dự báo hình thức giao dịch vàng phi vật chất như sàn vàng do Nhà nước quản lý đảm bảo sự liên thông giữa trong nước và quốc tế, khuyến khích người dân đầu tư vào các kênh khác, tránh vàng hóa thị trường, thay cho đôla hóa thị trường như vừa qua.
Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá, tổng kết Nghị định 24 và đề xuất cách thức giải quyết những tồn tại thời gian qua. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu để báo cáo về sàn vàng có thuận lợi gì, đến lúc thực hiện hay chưa hoặc đề xuất thời điểm phù hợp.
"Khảo sát ở Trung Quốc, chúng tôi thấy thời gian đầu Trung ương độc quyền vấn đề mua bán vàng miếng. Nhưng sau đó họ trao lại cho các ngân hàng thương mại rồi thành lập sàn vàng. Nhưng đặc thù họ có điều kiện kinh tế khác biệt vì vậy cần cân nhắc để hoàn thiện đề án", bà Hồng nói.
-
10h50
Đại biểu Quốc hội: Giá vàng đua lập đỉnh, người sở hữu 'hoa mắt chóng mặt'
Ông Dương Khắc Mai, Phó trưởng đoàn tỉnh Thanh Hóa nêu thực trạng chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước quá cao, cho thấy thị trường chưa ổn định, tiềm ẩn rủi ro tác động tới thị trường ngoại hối. Giá vàng đua lập đỉnh, người sở hữu "hoa mắt chóng mặt". "Ngân hàng Nhà nước có giải pháp nào để người dân yên tâm sự ổn định của VND, từ bỏ tâm lý tích trữ vàng?", ông hỏi.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ hiện "vàng cũng là vấn đề đau đầu của thế giới". Bà thông tin, trước khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp, giá quốc tế mỗi ounce khoảng 2.300-2.400 USD, nhưng hiện đã tăng lên 2.700 USD. So với đầu năm, kim loại quý đã tăng hơn 50%.
Theo bà, Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường vàng để thu hẹp chênh lệch giữa giá trong nước, quốc tế, bởi khi nhu cầu người dân tăng cao như vừa qua đã xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng. Sau các biện pháp can thiệp, mức chênh giữa thị trường quốc tế và trong nước rút về còn 3-4 triệu đồng một lượng.
Tuy vậy, giá vàng chưa ổn định. Bà Hồng giải thích do nhiều yếu tố khách quan như tình hình kinh tế thế giới. Chưa kể, vàng cũng phụ thuộc nhiều biến số như lãi suất, tỷ giá, giá dầu trên thị trường quốc tế. Thống đốc khẳng định nhà điều hành theo dõi sát diễn biến thị trường và sẽ có giải pháp can thiệp khi cần thiết.
Cơ quan này cùng các bộ ngành đánh giá tổng kết Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, và tham mưu, đề xuất Chính phủ giải pháp để xử lý tồn tại trên thị trường này.
Về lâu dài, Thống đốc nói quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa. Do đó, các chính sách đưa ra phải làm sao để vàng không còn là mặt hàng hấp dẫn để đầu tư, đầu cơ. Với nhu cầu vàng để tích lũy theo truyền thống, cơ quan quản lý đánh giá để có giải pháp cung ứng kim loại quý ra thị trường một cách phù hợp.
Liên quan tới việc khi vàng miếng SJC điều chỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh khác cũng thay đổi theo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải thích thực tế người dân mua cao thì bán cao và ngược lại. Với doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, họ phải tính toán để không chịu rủi ro khi chỉ là trung gian mua bán.
Còn tổ chức mua vàng rồi sau đó bán lại, họ cũng chịu rủi ro về vốn. Theo quy định hiện nay doanh nghiệp không được vay để mua vàng, nên họ cũng phải thận trọng trong cân đối vốn bởi mua lúc cao, bán khi thấp có thể chịu rủi ro. Bản thân Ngân hàng Nhà nước khi mua vàng trên thị trường quốc tế về bán can thiệp trong nước cũng phải có các biện pháp phòng ngừa rủi ro.
"Vàng có giá trị cao, giá lên xuống thất thường. Ngân hàng Nhà nước cảnh báo người dân, doanh nghiệp khi đầu tư vào kim loại quý cần thận trọng, tính toán phù hợp", bà chốt lại.
-
10h40
Ngân hàng Nhà nước 'không khuyến khích người dân nắm giữ vàng'
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh dẫn báo cáo về thị trường vàng đề cập một trong những tồn tại là chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành tiền đồng (VND) để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. "Vàng trong dân là vàng chết, trong khi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh rất lớn. Đề nghị Thống đốc cho biết thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp gì để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế", bà Thanh chất vấn.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói "đây là câu hỏi rất hay" và đồng tình với nhận định của đại biểu.
"Chúng ta chống vàng hóa, đôla hóa thì không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Giá trị vàng rất lớn nhưng khi nắm giữ có nghĩa là số tiền đó người dân không sử dụng được. Tiền đó chuyển hóa ra VND có cơ hội kinh doanh, đầu tư lĩnh vực khác như cho vay sản xuất; đầu tư cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán...", bà Hồng phân tích.
Vì vậy, chính sách của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa, không khuyến khích người dân trữ vàng, nhất là vàng miếng vì giá trị cao. "Vì vậy mới có chính sách Nhà nước độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng miếng và quản lý chặt chẽ kinh doanh mua bán vàng", bà Hồng giải thích
Để không khuyến khích người dân mua vàng, như kinh nghiệm, theo bà, các nước có nhiều giải pháp. Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá tổng kết nghị định 24 để có giải pháp hạn chế nắm giữ vàng.
-
10h30
Xác định 'doanh nghiệp đầu đàn' để bố trí nguồn lực hỗ trợ
Đại biểu Mai Văn Hải (Phó đoàn Thanh Hóa) đề cập "vấn đề không mới" nhưng được cử tri quan tâm là Việt Nam chủ yếu nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Đề nghị Thống đốc nêu giải pháp căn cơ để doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận nguồn tín dụng", ông nói.
Trả lời, Thống đốc thừa nhận việc điều hành chính sách tín dụng gặp trở ngại và "Thống đốc nào cũng hay nhận được phản ánh về tiếp cận tín dụng". Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cả nước có hơn 900.000 doanh nghiệp, nhưng 97-98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, doanh nghiệp Việt còn hạn chế về năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh, thương hiệu, uy tín.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không có khả năng trả nợ, sản xuất kinh doanh chưa có dự án khả thi nên không tiếp cận được tín dụng. Đảng, Nhà nước quan tâm đã có nhiều luật và nghị định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ thị trường, pháp lý, sản phẩm.
Để triển khai, Chính phủ đã có quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng vốn điều lệ chỉ 2.000 tỷ đồng, con số này rất nhỏ. Dư nợ của toàn hệ thống đến 15 triệu tỷ đồng, riêng doanh nghiệp đã 7-8 triệu tỷ. Thực tiễn, quỹ này có thể cho vay trực tiếp hoặc gián tiếp, song cán bộ cũng chưa có kinh nghiệm cho vay trực tiếp nên đã ủy thác cho tổ chức tín dụng thực hiện công việc này.
Về Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn, bà Hồng cho biết các địa phương đang thực hiện, song vốn điều lệ chỉ 100 tỷ. Nhiều địa phương chưa bố trí được quỹ và 5 quỹ đã giải thể. Nhiều quỹ yêu cầu các doanh nghiệp có tài sản đảm bảo, nên doanh nghiệp khó khăn thường không tiếp cận được. "Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị cần đánh giá, xác định trọng tâm doanh nghiệp 'đầu đàn' hoặc doanh nghiệp vệ tinh để có chính sách hỗ trợ phù hợp", bà Hồng cho hay.
-
10h20
'Người thu nhập thấp khó vay tiền mua nhà xã hội'
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Phó đoàn Cà Mau) đề nghị Thống đốc cho biết giải pháp của Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh tiến độ cho vay thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo xây dựng lại chung cư theo nghị quyết của Chính phủ.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng chương trình một triệu căn hộ nhà xã hội là chủ trương lớn, nhân văn, giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp, cần rất nhiều nguồn vốn như ngân sách Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước cũng báo cáo Chính phủ về việc các ngân hàng thương mại tự nguyện đưa ra gói 120.000 tỷ, đến nay đã lên đến 145.000 tỷ đồng. Vốn do các ngân hàng huy động từ người dân, lãi suất giảm 1,5-2% so với mức thông thường trong 3 năm với người có thu nhập thấp và 5 năm với chủ đầu tư.
Nhưng giải ngân vốn thấp, do địa phương phải công bố các dự án đủ điều kiện tham gia chương trình này; việc này cho vay thông thường nên khách vay vẫn phải đảm bảo đủ điều kiện. "Trong bối cảnh sau Covid-19, người bình thường đã rất khó khăn, huống chi người có thu nhập thấp và công nhân. Nên họ không thể đi vay để sở hữu nhà", bà Hồng giải thích.
Thống đốc cho biết đây là giai đoạn đầu triển khai, chưa tăng giải ngân được, khi kinh tế bớt khó khăn sẽ tăng giải ngân. Bộ Xây dựng và địa phương cần đánh giá xem nhu cầu sở hữu và thuê nhà ở của người thu nhập thấp để có giải pháp phù hợp.
-
10h15
Khoảng 800.000 tỷ đồng ngân sách nhàn rỗi gửi tại Ngân hàng Nhà nước
Phó chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đặt vấn đề về phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Theo ông, hơn 1 triệu tỷ đồng tiền nhàn rỗi của ngân sách đang để tại Kho bạc Nhà nước thời gian qua. "Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước phối hợp thế nào để điều chuyển nguồn tiền nhàn rỗi này, góp phần điều hành chính sách tiền tệ tốt nhất?", ông nêu.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước có chức năng cung ứng dịch vụ cho Chính phủ, các khoản tiền gửi của Chính phủ gửi tại cơ quan này. Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách Nhà nước, các khoản ngân sách cũng được phép gửi tại các nhà băng trong hệ thống tổ chức tín dụng.
Bà cho hay tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước khi chưa sử dụng chủ yếu được gửi ở các ngân hàng thương mại lớn và gần đây được chuyển về gửi tại Ngân hàng Nhà nước. "Khoảng 80% trong 1 triệu tỷ đồng đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước", Thống đốc chia sẻ.
Tuy vậy, theo bà việc gửi tiền ngân sách nhàn rỗi tại các nhà băng cũng có tác động nhất định tới chính sách tiền tệ, thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã có quy chế phối hợp, trao đổi thông tin và chủ động điều tiết tiền tệ.
Theo kinh nghiệm điều hành của các nước, cách thức điều chuyển tiền gửi ngân sách về Ngân hàng Nhà nước là giải pháp được thực hiện khi lạm phát tăng quá cao, tức cần hút tiền về ngân hàng trung ương. Còn trong điều kiện bình thường, điều chuyển ngược lại.
Quy định hiện nay các tổ chức tín dụng không được dùng tiền này cho vay, nhưng có thể dùng gián tiếp các khoản này để hỗ trợ họ trong đảm bảo thanh khoản. Vì thế, để tránh rủi ro, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết nhà chức trách theo dõi chặt chẽ, không chủ quan và phối hợp với các cơ quan, yêu cầu tổ chức tín dụng cân đối vốn hợp lý, đảm bảo cân đối vốn an toàn.
-
10h03
Vì sao hiệu quả quản lý thị trường vàng chưa cao?
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Trần Thị Thanh Hương nói vừa qua, có ý kiến cho rằng do có nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý và công tác phối hợp chưa tốt, nên hiệu quả quản lý thị trường vàng chưa cao.
"Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết quan điểm và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn", bà nói.
Thống đốc trả lời, mỗi thị trường, lĩnh vực đều có cơ quan chủ trì quản lý thống nhất và các bộ ngành tham gia. Trong việc quản lý thị trường vàng, bộ ngành cần tăng phối hợp. Ngân hàng Nhà nước đã nhận được sự phối hợp từ Bộ Công an, nhất là quá trình can thiệp thị trường vàng để hỗ trợ, theo dõi quá trình triển khai tránh hành vi trục lợi, gian lận.
Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ, kiểm tra doanh nghiệp mua bán vàng miếng, vàng trang sức để tổng kết khắc phục hạn chế khó khăn hiện nay.