Bayonne là một cây cầu nối Bayonne với hòn đảo Staten, một trong năm khu của thành phố New York, Mỹ. Cây cầu này được xây dựng theo ý tưởng của nhà thiết kế Othmar H. Ammann và kiến trúc sư Cass Gilbert. Cấu trúc của nó gần như đồng nhất với cầu cảng Sydney. Khác biệt duy nhất là không có phần trụ bê-tông hai phía đầu cầu.
Trên thực tế, cầu Bayonne và cầu cảng Sydney có thể được coi là “anh em sinh đôi”, bởi những nhà quản lý của hai cây cầu này đều tham dự lễ cắt băng khánh thành của mỗi công trình vào những năm 30 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, người quản lý website chính thức của cầu cảng Sydney dường như không hề biết gì về sự tồn tại của cầu Bayonne, hay bài viết về những cây cầu có hình dáng giống với công trình này cũng không hề nhắc đến điểm tương đồng giữa hai công trình.
Cầu cảng Sydney được khởi công xây dựng trước vào năm 1923, nhưng cầu Bayonne lại được thông xe trước vào năm 1931.
Trên thực tế, cầu cảng Sydney ngắn hơn cầu Bayonne gần 613 mét, song lại cao hơn khoảng 35 mét. Bắc qua eo biển Kill Van Kull, cầu Bayonne từng được mệnh danh là cây cầu vòm thép dài nhất thế giới, mãi cho đến năm 1977, khi người ta khánh thành cầu New River Gorge, Tây Virginia.
Song đó không phải sự kiến cuối cùng khiến cầu Bayonne kém cạnh hơn so với người anh em sinh đôi - cầu Cảng Sydney của mình. Theo một nghiên cứu của RJ Pelly, một sinh viên thuộc trường Đại học Bath, danh tiếng cầu Bayonne bị phủ bóng bởi chính “một người anh em” khác ra đời vài tháng sau – cầu George Washington, cũng do Ammann thiết kế.
Tuy vậy, cầu Bayonne vẫn được lòng mến mộ của những ai biết đến nó. Pelly cho biết dù cầu Bayonne không thu hút được nhiều sự chú ý như những công trình nổi tiếng của New York xung quanh mình, nhưng đối với giới chuyên môn, đây vẫn là một công trình nghệ thuật đặc sắc. Viện nghiên cứu kiến trúc công trình có kết cấu từ thép của Mỹ từng trao danh hiệu “cây cầu thép đẹp nhất” của năm cho Bayonne Bridge trong một cuộc bình chọn.
Cầu Bayonne cũng mang một điểm độc đáo mà ít công trình tầm cỡ nào có được: một làn đường dành cho người đi bộ. Đây là cây cầu lớn duy nhất của đảo Staten sử dụng lối đi bộ, mặc dù có thông tin làn đường này sẽ ngừng hoạt động cho đến năm 2017, khi người ta tiến hành nâng cầu.
Phạm Huyền