"Vừa lạnh vừa đói, chân tay bủn rủn con tưởng không về nhà được", Phạm Thị Tươi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An nói khi thấy mẹ bước lại. Mẹ chồng cô chẳng làm lạ với cảnh này. "Nước nóng bật sẵn rồi, tắm đi rồi ăn", bà nói.
Tươi, 28 tuổi, là công nhân công ty THHH Viet Glory ở xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu từ năm 2019, không lâu sau khi doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài này đi vào hoạt động. Cô nhận lương 3.670.000 đồng, tính cả các loại phụ cấp và tăng ca được khoảng hơn 5 triệu.
"Sau ba năm vẫn một mức này", cô nói. Không tăng lương thâm niên là một trong 11 điểm khiến gần 5.000 công nhân công ty giày này đình công bắt đầu từ trưa 7/2.
Ngoài 11 điểm chính đã được tập hợp để kiến nghị lên ban lãnh đạo công ty, những điều khác khiến Tươi cũng như nhiều người bức xúc là việc phải có mặt trước 10 phút mỗi ngày; đi họp chỉ được nghe không được ý kiến; bị phạt cảnh cáo vì lỗi của máy chấm vân tay; bảng lương rất khó hiểu, trừ các tiền phụ cấp một cách vô lý. "Chúng như những mồi lửa nhỏ, làm bùng lên cuộc đình công lần này", nữ công nhân 29 tuổi chia sẻ.
Cô cho biết thêm, mỗi tháng công ty cho nhân viên nghỉ một ngày và phải dùng luôn trong tháng, khi nghỉ các khoản trợ cấp bị cắt theo. "Với một người, số tiền không đáng bao nhiêu nhưng hàng nghìn người sẽ rất nhiều", Tươi nói.
Với bà mẹ hai con này, lương thưởng chỉ là một phần bức xúc, thái độ của quản lý người nước ngoài khiến "cục ấm ức trong lòng công nhân ngày càng to lên". "Họ chửi mình không ra gì. Làm sai thì bị ném giày vào mặt như chơi", Tươi nói. Cô chưa bị, nhưng đồng nghiệp của cô đã bị đối xử như vậy. Một lần khác có người lén ăn miếng xôi cứu đói trong giờ tăng ca, bị quản lý mắng như tát nước và một mực đuổi việc để cảnh cáo.
Để đảm bảo hiệu suất công việc, công ty cấm ăn trong giờ làm kể cả trước khi bắt đầu giờ tăng ca (từ 17-19h) trong khi công ty khác sẽ có 5-10 phút được phát bữa ăn nhẹ. "Đạp máy may cả ngày rất mất sức, buổi trưa còn ăn cơm nguội nên đến hết ca chiều ai cũng đói mờ mắt. Không ít người đã xỉu vì đói", nữ công nhân chia sẻ.
Tổ trưởng của Tươi cho biết, các chế độ đãi ngộ của công ty không bằng những nơi khác, bị trừ tiền những khoản không đáng, áp lực công việc, doanh số cao trong khi lương không tăng. "Mới tháng 2, chúng tôi đã làm đến doanh số tháng 4", Tươi tiết lộ.
Tính từ đầu năm tới nay cả nước có khoảng 30 cuộc đình công, con số này ít hơn cùng kỳ 2021 (35 cuộc). Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số vụ đình công ở Việt Nam giảm liên tục các năm trở lại đây, từ 329 cuộc năm 2017, 214 cuộc năm 2018, 120 cuộc năm 2019.
"Quy mô các cuộc đình công năm nay không lớn, song tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp", ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nhận định. Theo ông, nguyên nhân ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động tại các địa phương chủ yếu do người lao động chưa đồng tình với hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của doanh nghiệp. Một số cuộc khởi phát từ thái độ không đúng mực của quản lý với công nhân, các quy định cứng nhắc, chất lượng bữa ăn kém...
Chị Hồng, 30 tuổi, công nhân bộ phận kiểm hàng của công ty Haivina Hồng Lĩnh (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), cũng mang hi vọng tăng lương khi tham gia cuộc ngừng việc với 500 người khác, chiều 15/2. Mỗi tháng Hồng nhận lương cơ bản hơn 3,4 triệu đồng, tính thêm các khoản phụ cấp, tiền chuyên cần và một số chế độ phúc lợi khác, tổng thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng, thấp hơn đáng kể so với mức 6,3 triệu đồng thu nhập bình quân chung của công nhân trên cả nước, theo Tổng cục Thống kê. Nếu so sánh với công nhân ở Hà Nội hay TP HCM, thu nhập của Hồng chỉ xấp xỉ một nửa (khoảng 8,9 triệu đồng).
Gần hai năm qua, mức lương này không tăng, dù chị và đồng nghiệp nhiều lần đề nghị lên công đoàn. Trả lời các kiến nghị của công nhân hôm 16/2 sau cuộc ngừng việc, Haivina quy định chỉ tăng lương 5% đối với những lao động thâm niên trên ba năm. Nguyện vọng của Hồng vì thế không được ghi vào biên bản. "Trước kia tôi làm công nhân tại một số công ty ở miền Bắc, người ta tăng lương một năm hai lần. Chế độ lương của công ty này quá máy móc", Hồng nói.
Ngoài lương, các công nhân còn có nhiều bức xúc chất chứa lâu ngày. Một ngày Hồng kiểm đếm được khoảng 1.300 đôi găng tay, được đánh giá đạt yêu cầu, tuy nhiên đến tháng luôn bị trừ vài chục nghìn đồng không lý do. Hàng ngày làm việc từ 7h30, song công nhân nào đến chậm dù chỉ một phút, sau 7h25 sẽ bị trừ hết tiền chuyên cần 180.000 đồng của tháng. Hồng nói quy định này quá khắt khe, nhiều lúc chạy xe trên đường rất áp lực. Mọi người nói, nếu một tháng lỡ đi muộn ba lần, trừ tiền chuyên cần cũng chấp nhận. Còn đây chậm một phút là trừ ngay, không có cơ hội để sửa sai.
Sinh ra trong gia đình nghèo khó, Hồng đã quen với những bữa cơm sống với rau và muối vừng. Ở công ty, nhiều hôm Hồng cũng ăn phải cơm sống. Nhiều người phản ánh với quản lý, riêng chị tự nhủ "cái này mình chịu đựng được". Tuy nhiên, cũng có những thứ chị không thể du di, đó là việc không được lựa chọn phép năm. Một năm, một công nhân được nghỉ phép 15 ngày, song chỉ được tự chọn một đến hai ngày còn lại nếu muốn nghỉ thêm thì quản lý chọn cho ngày nào sẽ nghỉ ngày đó. Vì vậy đôi lúc gia đình có việc, chị đành phải nghỉ và chấp nhận trừ tiền chuyên cần.
Năm ngoái, thị xã Hồng Lĩnh xảy ra Covid-19 phải phong tỏa, Hồng được cho ở nhà. Khi đi làm lại, cô và mọi người tá hỏa vì lãnh đạo thông báo sẽ trừ ngày nghỉ tránh dịch vào luôn phép năm.
Phó giáo sư Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Sociallife, cho biết các nghiên cứu nhận thấy, người lao động đình công không hề có tính toán trước mà là trạng thái cảm xúc dồn nén, đến một độ nào đó kết hợp cơ chế tập thể sẽ bộc phát. Nhóm nghiên cứu của ông từng phỏng vấn một cuộc đình công ở TP HCM, nguyên do một công nhân phát hiện bữa cơm trưa có giòi. Người đó gõ vào mâm, tự dưng cả nhà ăn náo loạn, xảy ra đình công, ngừng việc tập thể và kéo theo phản ánh nhiều chính sách bất hợp lý khác.
Tại doanh nghiệp của Phạm Thị Tươi, hai ca làm cách nhau 15 phút. Bình thường rất khó để tập hợp nhưng trong giờ ăn trưa hôm 7/2, từ một vài người bất bình đã dẫn tới hàng nghìn người đình công. Những ngày sau, công nhân tập trung trước công ty không vào làm, chỉ có tổ trưởng vào thương lượng.
Ông Lộc cho biết, số cuộc đình công bộc phát đã giảm và chuyển sang đối thoại có lý tính hơn. Người lao động đã biết sử dụng người đối thoại, người trung gian, đồng thời viện dẫn chính sách pháp luật khi đình công để đạt được thương thảo. Tuy nhiên ông Lộc lo những nguyên nhân phức tạp trong đình công gần đây có thể đạp đổ thành quả này. Ông kiến nghị đây là giai đoạn cần phát huy vai trò trung gian của công đoàn, trước hết là dàn xếp về mặt cảm xúc để người lao động và người sử dụng lao động thấu hiểu nhau.
"Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch, nhưng ngược lại nhiều bên sử dụng lao động vẫn đang đối xử với công nhân của mình theo kiểu cò kè bớt một thêm hai. Trong đại dịch, ai cũng đang cảm thấy bị tổn thương và một khi có người lên tiếng thì đó là tiếng nói chung của họ", ông Lộc nói.
Ông Phan Văn Anh cho biết hai năm đại dịch, người lao động đã đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp như chấp nhận giảm lương, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, thực hiện ba tại chỗ, không về quê đón Tết, tăng ca để đáp ứng tiến độ giao hàng. Khi tình hình sản xuất dần khôi phục, doanh nghiệp có thể chịu thiệt thòi một phần lợi nhuận trong thời gian đầu để tăng phúc lợi cho công nhân.
Sau 6 ngày đình công với nhiều lần đàm phán, cuối cùng công ty của Tươi đã quyết định tăng lương 6% cho công nhân từ ngày 1/2. "Sau 3 năm, lương của tôi tăng thêm 220.000 đồng", Tươi nói và cho biết cô tạm hài lòng. Chồng cô là lái xe nên tổng thu nhập hai vợ chồng có thể xem là chấp nhận được ở quê.
Còn với Hồng, chồng là lao động tự do thu nhập không ổn định. Với lương hơn 4 triệu đồng, bà mẹ ba con luôn phải chắt bóp, tháng sau bù tháng trước. Nhiều khi Hồng ước công ty có thêm khoản thưởng nho nhỏ nào đó hàng tháng hoặc hàng quý để động viên người làm tốt, chị sẽ cố hơn gấp bội. Nhưng doanh nghiệp của chị không ban hành chế độ này.
Phan Dương - Đức Hùng
* Tên một số nhân vật đã thay đổi