Là một trong những lứa phi công đầu tiên của Vietnam Airlines tốt nghiệp từ New Zealand, Phạm Đại Thành đang chờ tuyển dụng vào hãng. Năm 2016, sau khi học 6 tháng huấn luyện cơ bản ở TP HCM và Nha Trang, Thành quyết định chọn trường ở New Zealand, trong khi nhiều bạn bè sang Mỹ.
"Khi tìm hiểu, tôi rất tò mò về trường ở New Zealand và muốn lựa chọn của mình có chút khác biệt", chàng trai 26 tuổi kể. Để được xét tuyển, anh phải trải qua các quy trình đánh giá, tuyển chọn và đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe, trình độ tiếng Anh (tối thiểu IELT 5.5 hoặc tương đương).
Với anh, khó khăn nhất trong quá trình đào tạo ở đây là phải làm quen với thời tiết khắc nghiệt, hoàn toàn không giống khí hậu nhiệt đới của Việt Nam. Anh đã trải qua 300 giờ bay với chi phí học 2 năm khoảng 2 tỷ đồng. Trong khi đó, thời gian đào tạo trung bình của học viên ở các nước khác là 150 - 250 giờ bay.
"Quá trình đào tạo có nhiều bài kiểm tra, đòi hỏi học viên phải vượt qua mới được tham gia khóa tiếp theo. Một số người bạn cùng nhập học với tôi vẫn chưa thể tốt nghiệp vì không qua được các bài kiểm tra này", Thành chia sẻ.
Học viên tốt nghiệp được cấp chứng chỉ thương mại nhưng chưa được trực tiếp điều khiển máy bay chở khách. Họ cần tích lũy tối thiểu 1.000 giờ bay, 500 giờ bay xuyên quốc gia, 100 giờ bay đêm, 75 giờ bay mô phỏng mới có thể lấy chứng chỉ hành nghề.
Theo đại diện Vietnam Airlines, hãng đã tuyển dụng 6 phi công tốt nghiệp từ New Zealand vào làm việc và có 84 học viên đang được huấn luyện tại đây. Lương khởi điểm của phi công là 60 triệu đồng mỗi tháng. Lương cơ trưởng là 156-246 triệu đồng, cơ phó là 75-150 triệu đồng.
"Những phi công tốt nghiệp ở New Zealand đều có thể trở thành nhân lực chất lượng cao của chúng tôi. Với việc thực hành ngay trong trường học tại New Zealand, các phi công bắt kịp rất nhanh các yêu cầu của thực tế và linh hoạt trong xử lý tình huống", đại diện hãng hàng không quốc gia Việt Nam đánh giá.
New Zealand hiện có khoảng 20 trường dạy bay với chất lượng hàng đầu thế giới. "Việt Nam và New Zealand có những đặc điểm tương đồng về địa lý, như bao bọc bởi núi và đường bờ biển dài, đó là lợi thế khi các phi công Việt Nam đến đây học tập", ông Damien O'Connor, Bộ trưởng phụ trách Thương mại và Xuất khẩu kiêm Nông nghiệp, An toàn sinh học và An toàn thực phẩm New Zealand, chia sẻ.